Ngày 16/9, đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho hay cơ quan này đã có kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc sửa đổi gói 26.000 tỷ đồng (Nghị quyết 68).
Tổng liên đoàn kiến nghị bổ sung hai nhóm lao động chưa được ký hợp đồng, chưa tham gia bảo hiểm xã hội vào diện hỗ trợ; mức hưởng như với lao động tự do. Nếu thông qua, nhóm này hưởng không thấp hơn 1,5 triệu đồng một người hoặc 50.000 đồng một ngày.
Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động của Tổng liên đoàn, phân tích nhiều người chưa được tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, hoặc đã đóng nhưng doanh nghiệp nợ bảo hiểm khiến họ không thể nhận hỗ trợ. Trong hoàn cảnh ấy, người lao động bị mất quyền lợi bảo hiểm xã hội trợ cấp an sinh, nên cần được hỗ trợ sớm.
Ngoài ra, Tổng liên đoàn kiến nghị hỗ trợ thêm nhóm viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công như nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề.
Với lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, hiện nhóm này muốn được hỗ trợ 1,855 triệu - 3,71 triệu, phải làm việc tại doanh nghiệp tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền để phòng chống dịch. Song hàng trăm nghìn lao động đang phải tạm hoãn hợp đồng khi doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ".
Cả nước có hơn 873.000 lao động "3 tại chỗ" trong 9.100 doanh nghiệp và nhiều công ty chỉ duy trì khoảng 30 - 50% lao động sản xuất. Đơn cử như Bình Dương có 1.041 doanh nghiệp với 405.000 lao động đăng ký "3 tại chỗ", song chỉ 188.000 người đi làm, số còn lại tạm nghỉ. Công đoàn cho rằng những người này cần được hưởng mức hỗ trợ như lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương quy định tại Nghị quyết 68.
Với nhóm lao động ngừng việc, quy định hiện hành nêu họ được nhận hỗ trợ một triệu đồng song phải đáp ứng điều kiện vừa bị ngừng việc, vừa phải cách ly y tế hoặc trong các khu phong tỏa từ 14 ngày trở lên. Tổng liên đoàn đề nghị sửa đổi theo hướng chỉ cần người đó ngừng việc 14 ngày trở lên là được hỗ trợ, bỏ điều kiện doanh nghiệp phải trong vùng phong tỏa, cách ly hoặc tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Trên thực tế, hàng trăm công ty đang thực hiện "3 tại chỗ" hoặc tạm ngừng hoạt động mà không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Tổng liên đoàn đề nghị Chính phủ giải quyết hỗ trợ cho lao động tại địa bàn đang áp dụng Chỉ thị 16 mà không cần văn bản xác nhận của chính quyền.
Ngoài sửa đổi gói an sinh, Tổng liên đoàn đề nghị các cơ quan tháo gỡ khó khăn trong giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho lao động. Các cấp công đoàn phản ánh, nhiều địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 nên không tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp; thủ tục yêu cầu phải có bản chính hoặc bản sao công chứng một số giấy tờ.
Nhiều lao động không thể đến công ty lấy giấy tờ, sổ bảo hiểm hoặc ra ngoài để làm hồ sơ. Trong khi đó, luật quy định 3 tháng kể từ ngày chấp dứt hợp đồng, người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm dịch vụ việc làm để giải quyết. Việc gửi hồ sơ trực tuyến cũng không đơn giản với nhiều người. Họ sợ hết hạn 3 tháng mà không hoàn thiện hồ sơ sẽ không được hưởng chính sách và cũng chỉ trông chờ vào khoản tiền này để trang trải cuộc sống.
Trong bối cảnh 2 triệu công nhân bị mất việc, nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, hệ thống công đoàn đã chi hơn 2.100 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người lao động khó khăn lẫn công nhân "3 tại chỗ". Song mức hỗ trợ đó là chưa đủ khi dịch lan rộng và hàng loạt tỉnh thành kéo dài cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến 2 - 3 tháng.
Thống kê của Tổng liên đoàn đến ngày 11/9, gói an sinh 26.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 1,16 triệu công nhân lao động số tiền 1.677 tỷ đồng; hơn 170.600 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp. Các chính sách chi tiền mặt trực tiếp cho lao động còn thấp, như mới hỗ trợ hơn 80.000 lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; trên 17.800 lao động ngừng việc; 288 lao động mất việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến bộ ngành, địa phương dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 trước khi trình Chính phủ. Đề xuất sửa đổi sau hai tháng chính sách ban hành, hôm 1/7. Theo cơ quan này, quá trình thực hiện cho thấy một số quy định chưa phù hợp thực tiễn. Việc giải ngân ở địa phương còn chậm, kết quả chưa cao.
Hồng Chiêu