Từ nay chúng tôi có cơ hội thoát khỏi số phận của những công dân hạng hai giữa lòng Hà Nội. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự tác động tới chính gia đình mình từ một quyết sách vĩ mô.
Cách đây ba tháng, khu phố tôi ở có dự án cấp nước sạch cho hầu hết hộ dân. Tôi khấp khởi mừng thầm, thế là nỗi lo về nước cũ bị nhiễm arsen sắp được loại bỏ. Ngay sau khi có được thông tin, cả khu chung cư mini gồm 12 hộ dân đã vội vã họp bàn, ai cũng mong muốn sớm được đóng tiền để nộp cho đơn vị cấp nước. Nhưng niềm vui chưa kịp tới thì hàng chục người dân chưng hửng. Chúng tôi không ai được thông báo về tiến độ của dự án, cách thức đóng tiền để có nước sạch. Lý do mà đơn vị cung cấp nước đưa ra rất ngắn gọn: khu nhà ở của chúng tôi chưa gia đình nào có hộ khẩu tại phường, tất cả chỉ có sổ tạm trú, mà đã là tạm trú thì không được cấp nước sạch.
Lại thêm một cuộc họp bàn giữa các hộ dân, trưởng ban quản lý tòa nhà cho biết, người của đơn vị cấp nước đã gặp riêng và ra giá, theo đó, khu chung cư muốn được cấp nước sạch với một “quota” dùng số lượng nước tiêu chuẩn như các gia đình có sổ hộ khẩu thì phải chi phí lót tay. Mức lót tay được đưa ra không hề dễ chịu đối với những người có thu nhập trung bình thấp và sống trong chung cư mini như chúng tôi.
Nhập cư, ngụ cư như chúng ta phải chịu thôi, khiếu nại, kiến nghị sẽ rất lôi thôi đến nhiều chuyện khác - cái lý của anh quản lý tòa nhà là như vậy. Và chúng tôi đành chấp nhận rằng anh có lý, dù đầy ấm ức rằng suốt thời gian cư trú hợp pháp tại tòa nhà này, chúng tôi chấp hành mọi quy định của địa phương một cách mềm mỏng nhất có thể; quyên góp đầy đủ nhất có thể những khoản kêu gọi của phường, quận.
Chúng tôi thực hiện nghĩa vụ như một người có hộ khẩu, chỉ khác về quyền lợi được hưởng.
Có những lần tôi cảm thấy ứa nước mắt. Ngày Quốc khánh, 30/4 và nhiều ngày lễ khác, chúng tôi được loa phường thông báo tất cả hộ dân đều phải treo cờ để chào mừng. Các hộ dân có hộ khẩu sẽ được chính quyền phường lắp cho một cái ống tôn, bắt đinh vít gắn vào tường để cắm cán cờ còn khu chung cư của chúng tôi không được lắp.
Tất nhiên, chúng tôi có thể tự trang bị một thứ đơn giản như vậy nhưng cảm giác "không thuộc về cộng đồng" trở thành thứ gì đó lớn hơn cái đinh vít nằm nghẹn ngang cổ họng.
Sẽ cần rất nhiều thời gian mới kể hết được những nỗi thống khổ, phiền toái, thậm chí là đau đớn mà cuốn sổ hộ khẩu gây ra. Ở một giai đoạn nào đó, sổ hộ khẩu đã đóng một vai trò quan trọng trong công tác quản lý dân cư, quản lý địa bàn. Nhưng thời đại đã hoàn toàn khác, thời đại của số hóa, chỉ cần một cú click chuột là tất cả mọi thông tin cá nhân sẽ được cơ quan chức năng nắm bắt. Trên thế giới chắc chắn còn rất ít quốc gia sử dụng sổ hộ khẩu. Trong mắt tôi, đó là một công nghệ cũ, lạc hậu và bất công này.
Mọi người sinh ra có quyền bình đẳng, trong số đó có quyền tự do di trú trong quốc gia. Không thể vì chưa có hộ khẩu mà chúng tôi mất quyền dùng nước sạch, bị bỏ rơi mỗi dịp treo cờ Tổ quốc, bị gây khó dễ đủ đường chỉ với quyển sổ tạm trú không mang nhiều ý nghĩa.
Niềm vui và hy vọng đó đã loanh quanh trong nhà tôi suốt mấy ngày cuối tuần. Nhưng đầu tuần này, khi cơ quan chức năng giải thích kỹ hơn về nghị quyết, niềm vui của tôi như có chút khựng lại. Tôi bỗng thấy mình như đã hào hứng hơi sớm. Đây dường như là bước thay đổi hình thức quản lý - thay cuốn sổ giấy bằng một cái mã số online – chứ không phải thay đổi phương thức quản lý. Mà nếu phương thức quản lý chưa thay đổi, chẳng hạn vẫn còn đó sự phân biệt KT1, KT2, KT3… thì ngay cả khi có một mã số online, không khác gì những công dân KT1, gia đình tôi vẫn có thể không được cấp nước, không được phát cái đinh vít cắm cờ; con tôi đi học trái tuyến vẫn phải chi ra một khoản lót tay không nhỏ…
Cái khái niệm “hộ khẩu” không chỉ đến từ cuốn sổ. Nó là cả một hệ thống dịch vụ và hành chính công được thiết kế để quản lý con người – cũng đồng thời là phân biệt con người - gắn chặt vào một địa bàn cụ thể. Chính hệ thống này là thứ khiến chúng tôi mang cảm giác mình là công dân hạng hai, chứ không phải là cuốn sổ.
Thay thế các hình thức quản lý hành chính thủ công giấy tờ bằng công nghệ, số hóa là điều mà các xã hội tiên tiến ngày nay không thể chối từ. Nhưng còn một điều cốt yếu khác chúng ta cũng nên chối từ, là những phương thức quản trị đã lạc hậu, gây phiền nhiễu.
Nếu không có một phương thức quản lý dân cư khoa học, thông minh được vận hành bởi một hệ thống sẵn lòng phục vụ… thì một cái mã số online cũng có thể gây phiền phức chẳng kém gì cuốn sổ giấy.
Tôi sẽ cố giữ niềm vui lại trong gia đình mình, bởi cho dù 3 năm nữa, cuốn hộ khẩu giấy mới kết thúc sứ mệnh; dù phương thức quản lý dân cư chưa có nhiều thay đổi, thì ít nhất, tôi cũng đã nhìn thấy một mong muốn thay đổi.
Từ nay tới ngày thay đổi thực sự diễn ra, tôi chắc vẫn sẽ loay hoay tìm ra được cách cắm lá cờ tổ quốc của mình.
Việt Hoàng