Ông Đặng Văn Thanh. |
- Theo ông, ngay bây giờ những khoản nào có thể khoán được?
- Có hai loại tiền tệ hoá: Tiền tệ hoá cho cá nhân và cho các đơn vị . Đối với khối cơ quan, tôi cho rằng, những gì gắn với điều kiện làm việc tại văn phòng đều có thể khoán như điện thoại, điện nước, hoa cây cảnh. Một số khâu như văn thư, đánh máy, lái xe khi được khoán, cơ quan có thể thuê mướn, không cần phải tuyển dụng. Như vậy có thể sẽ giảm chi phí. Đối với cán bộ công chức, có thể khoán các khoản như điện thoại và các chi phí công vụ khác vào lương.
- Vấn đề xe công gây lãng phí đang là bức xúc của nhiều người, theo ông có nên khoán luôn khoản này vào lương?
- Nếu liên quan đến nhà ở, anh có thể ở chật ở hẹp, điện thoại anh có thể dùng ít nhưng vấn đề tiền tệ hoá về xe thì khá nan giải. Hiện nay, một ông Phó chủ nhiệm Uỷ ban như tôi lương cả năm chưa được 30 triệu đồng, liệu chúng ta có dám tiền tệ hoá khoản này vào lương. Một chiếc xe công khoảng 600 triệu đồng, chưa kể tới tiền lái xe, xăng dầu. Nếu tiền tệ hoá khoản này, liệu nhà nước có dám chi vào lương cho tôi thêm 100 triệu đồng/năm.
Vấn đề thứ nữa tôi muốn nói là cơ sở vật chất của ta chưa đảm bảo. Tôi có thể đi taxi nhưng lấy gì đảm bảo khi ra khỏi cơ quan là gọi được xe taxi trong điều kiện giao thông hiện nay. Đó là chưa nói đến vấn đề bảo vệ cho một số nhân vật cấp cao. Ngay trong các cơ quan cũng vậy, khi thực hiện cơ chế khoán cũng phải tính đến yếu tố đặc thù, tính khả thi trong điều kiện hiện tại. Ví dụ như ngành kho bạc thì lái xe, bảo vệ phải ở trong biên chế, không thể khoán kinh phí để thuê mướn.
- Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế hiện nay không có quy định nào khuyến khích người tiết kiệm và cũng không có chế tài nào xử lý người lãng phí. Theo ông, vấn đề này cần phải xem xét lại từ góc độ nào?
- Tôi cho rằng, trước khi khoán phải tính đến nhiều khả năng, không nên tiền tệ hoá tất cả. Nếu tiết kiệm một chút mà lỡ công việc quan trọng thì có nên không? Tôi muốn nói đến vấn đề hiện nay là phải tạo cơ chế đồng bộ, mối quan hệ giữa tiền khoán với tiền lương chính, mối quan hệ giữa tiền tệ hoá với việc thực hiện công vụ của cán bộ.
- Nhưng hiện nay cơ quan, cá nhân tiết kiệm tài sản công chưa được thưởng xứng đáng. Khi thực hiện cơ chế khoán, sẽ phải có chế độ thưởng phạt chứ thưa ông?
- Đúng là khi nói đến khoán thì phải có chế tài. Ví dụ đã cấp kinh phí rồi anh sử dụng hết sẽ không được cấp thêm. Nếu sử dụng không hết thì phần còn lại sẽ có chế độ thưởng: Phần nào bổ sung vào thu nhập công nhân viên chức, phần nào chi thưởng, phần nào bổ sung mua sắm trang thiết bị... Đây là chính là chế tài để khuyến khích.
- Nhiều ý kiến cho rằng, các tiêu chuẩn về chi phí hoạt động dành cho cán bộ hiện không sát thực tế. Là người giám sát việc chi tiêu ông đánh giá vấn đề này ra sao?
- Phải thừa nhận các tiêu chuẩn dành cho cán bộ hiện nay còn bất cập, đúng mặt này nhưng không đúng mặt kia nên khó đi vào cuộc sống. Lương của Phó chủ nhiệm như tôi mỗi tháng 2,1 triệu đồng nhưng các khoản chi khác lại khá lớn. Như trên tôi đã nói, nếu tính cả vào lương thì sẽ rất vênh với mặt bằng lương cán bộ bình thường.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá xã hội Thanh thiếu niên Trần Thị Tâm Đan: Ngay trong cơ quan của tôi, từ ngày có khoán các chi phí giảm hẳn, không còn những máy điện thoại mỗi tháng chi đến hàng vài triệu đồng. Những khoản chi cho hoạt động của công chức nên đưa vào tiền lương và luật này phải đi theo hướng đó. Tôi nghĩ, công chức từ bộ trưởng trở xuống là có thể khoán vào tiền lương. Các nước bộ trưởng đi bộ trên đường là rất bình thường. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ Hồ Đức Việt: Nếu khoán các chi phí khác vào lương, tôi sẽ đi xe đạp đi làm, chỉ cần đi sớm một chút. Mình là người của dân mà đi đâu cũng sợ, cũng phải đi ôtô. Bộ trưởng mà không dám ra hàng cắt tóc, không dám ra hàng phở ăn, cái gì cũng gọi về nhà hết. Tuy nhiên, đối với các cơ quan cũng nên cân nhắc đến tính đặc thù. Nếu cơ quan đoàn thể mà khoán kinh phí thì họ chỉ hoạt động ở các thành phố, không chịu đến các vùng sâu, vùng xa. |
Việt Anh