Hai tuần trước khi khởi hành, hàng trăm khách gặp vấn đề về giấy tờ. Nhiều người ghi nhầm điểm quá cảnh. Nhiều khách chưa kịp xin thị thực. Còn thủy thủ đoàn cần được cấp phép bổ sung để lên bờ nghỉ qua đêm do lịch trình thay đổi. Thuyền trưởng rất lo khi một đại lý địa phương báo phí dịch vụ sẽ tăng cao.
Tôi đại diện khách hàng liên lạc với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại Hà Nội để giải quyết các vấn đề phát sinh. Công văn gửi đi cuối giờ chiều hôm trước, 8h sáng hôm sau, tôi đã nhận được điện thoại từ cán bộ phụ trách. Sau khi nắm tình hình và phổ biến quy định, anh dặn tôi cập nhật thông tin thường xuyên.
Mọi việc tiếp tục xuôi chèo mát mái khi tôi liên hệ với lực lượng biên phòng tỉnh về băn khoăn của thủy thủ đoàn liên quan tới giấy phép đi bờ của thuyền viên. Các thủ tục được thực hiện nhanh chóng với chi phí đúng quy định. Khách hàng của tôi đánh giá rất cao sự nhiệt tình của các cơ quan Việt Nam, chủ động viết thư cảm ơn và hẹn quay lại mùa hè tới.
Tôi thử làm một phép tính nhỏ. Với 5.000 khách quá cảnh vào Việt Nam và tham gia các chương trình tham quan, giả sử, mỗi khách chi tiêu trung bình 100 USD, ngành du lịch sẽ có nguồn thu ngoại tệ ít nhất 500.000 USD, khoảng 12 tỷ đồng, chưa kể nguồn thu từ dịch vụ hàng hải.
Hiện du lịch Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt với các nước Đông Nam Á và Trung Quốc trong việc thu hút khách du lịch cao cấp, bao gồm khách tàu biển, những người có xu hướng ủng hộ du lịch bền vững và sẵn sàng mở hầu bao.
So với các nước trong khu vực, chính sách thị thực của Việt Nam vẫn được cho là "kín cổng cao tường". Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho công dân của 25 quốc gia và thực hiện cấp thị thực điện tử cho 80 nước, trong khi Thái Lan đã miễn thị thực cho du khách của 65 quốc gia. Philippines thậm chí miễn thị thực cho 157 quốc gia trong khoảng thời gian 14 đến 59 ngày.
Chính phủ hiện đã trình Quốc hội một chính sách thị thực cởi mở hơn nhằm cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và nâng thời hạn thị thực điện tử lên tới ba tháng. Trong khi chờ đợi những cải tiến này, các vướng mắc mang tính vận hành được giải quyết thấu đáo nhờ tinh thần phục vụ hết trách nhiệm của các viên chức sẽ giúp Việt Nam ghi điểm trong mắt nhà đầu tư và khách du lịch.
Bởi, ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng có hệ thống quy định chính sách để điều tiết hoạt động. Nhưng trong thực thi, vẫn sẽ có những sự việc phát sinh đòi hỏi sự linh hoạt của nhà quản lý. Mới đây, bạn tôi - một đại sứ đang công tác ở châu Âu - chia sẻ câu chuyện nhỏ nhắc nhở anh về "tinh thần phụng sự vô tư".
Nửa năm trước, anh và Sứ quán nhận được thư của một thanh niên gốc Việt, đề nghị chứng thực tình trạng quốc tịch. Cậu muốn tham gia một cuộc thi ở Việt Nam và với tài năng của mình, cậu được dự đoán có cơ hội tỏa sáng. Ban tổ chức băn khoăn vì có ý kiến cho rằng thí sinh này không có tinh thần dân tộc, đã từ bỏ quốc tịch Việt Nam, không đủ tiêu chí để tham dự cuộc thi.
Bạn tôi chia sẻ, Sứ quán và Đại sứ chưa bao giờ nhận được đề nghị như vậy. Tuy nhiên, việc này vẫn thuộc trách nhiệm bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt ở nước ngoài. Sau quá trình xác minh, Sứ quán gửi gấp một công điện về nhiều nơi liên quan ở Việt Nam, chứng thực bạn thí sinh buộc phải bỏ quốc tịch gốc vì Đức không cho phép hai quốc tịch.
Câu chuyện kết thúc có hậu: bạn thí sinh chiến thắng trong cuộc thi. Điều thú vị là mãi sau này, bạn tôi mới biết, cậu thanh niên trẻ đó là con của một người bạn từ hồi học phổ thông. Bạn tôi chia sẻ, nếu vì ngại "chưa có tiền lệ", "đâu phải trách nhiệm của mình" và im lặng trước lời thỉnh cầu chính đáng, có lẽ một tài năng đã không có cơ hội tỏa sáng. Với việc chính quyền Đức đang bắt đầu xem xét thay đổi luật để cho phép công dân Đức có nhiều quốc tịch, anh hy vọng người bạn trẻ này sẽ có cơ hội nhập tịch trở lại khi luật Đức được điều chỉnh.
Hoạt động hành chính có đặc trưng là gắn với đời sống thường nhật của người dân và bao quát mọi lĩnh vực xã hội. Những nỗ lực, dù từ cá nhân hay tổ chức, nhằm giúp nâng cao hình ảnh đất nước đều là một món quà mà mỗi người dân đều có phần. Cải thiện vị thế đất nước gắn bó chặt chẽ với thúc đẩy cơ hội việc làm, kinh doanh, học tập của mỗi cá nhân, và rộng hơn, cơ hội trở nên thịnh vượng của cộng đồng.
Chính phủ đã đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý bộ, cơ quan, địa phương từ nay tới năm 2025. Sức cạnh tranh của một quốc gia không chỉ nằm ở sự tiến bộ của quy định và luật pháp, mà còn phụ thuộc vào tinh thần phục vụ của những người thực thi công vụ. Gắn nỗ lực phụng sự người dân với thành công nghề nghiệp của mình là chìa khóa cho một bộ máy công chức hiệu quả và chuyên nghiệp.
Dù chất lượng dịch vụ công còn cần nhiều cải thiện, những trường hợp phụng sự bằng tinh thần tận hiến mà tôi chứng kiến, nếu vươn ra khỏi các ví dụ đơn lẻ, trở thành một nguyên tắc ứng xử phổ biến, sẽ trở thành sức bật quốc gia cho Việt Nam.
Cẩm Hà