Căn cứ để xác định mức lương thấp là hệ số lương (lương chức vụ hoặc lương theo ngạch, bậc hiện hưởng) từ 3 trở xuống. Với mức lương tối thiểu 540.000 đồng hiện nay, người hưởng lương từ hệ số 3 trở xuống sẽ có mức lương tháng từ 1.620.000 đồng trở xuống.
Quyết định nêu rõ, người được trợ cấp khó khăn gồm: công chức biên chế hưởng lương ngân sách; viên chức biên chế hưởng lương ngân sách và nguồn thu sự nghiệp; cán bộ chuyên trách và công chức xã phường; giáo viên mầm non biên chế và giáo viên mầm non hợp đồng theo quyết định số 161/2002; quân nhân, công nhân viên chức hưởng lương ngân sách thuộc Quân đội nhân dân VN; hạ sĩ quan, công nhân viên hưởng lương ngân sách thuộc Công an nhân dân VN...
3 tháng cuối năm, mỗi tháng công chức lương thấp sẽ được trợ cấp thêm 90.000 đồng. Ảnh minh họa của Hoàng Hà. |
Trợ cấp khó khăn được trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp khó khăn được bảo đảm từ ngân sách nhà nước và nguồn thu hợp pháp của cơ quan.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2007, số cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đảng, đoàn thể và cấp xã khoảng 2 triệu người. Trong số này, chỉ người hưởng lương từ 1.620.000 đồng trở xuống mới được trợ cấp.
Trước đó, ngày 12/9, Thủ tướng quyết định tăng lương hưu, trợ cấp lên 15%, sớm 3 tháng so với lộ trình cải cách tiền lương. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Huỳnh Thị Nhân, việc tăng lương hưu, trợ cấp nhằm thực hiện nhóm giải pháp bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện giá cả tăng cao.
"Các giải pháp này có thể chưa đáp ứng được mong muốn của một số người, tuy nhiên đây là giải pháp phù hợp nhất mà Chính phủ đã thảo luận và lựa chọn", bà Nhân nói.
Bộ Lao động cũng đã trình Chính phủ dự thảo nghị định điều chỉnh chuẩn làm căn cứ để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ 564.000 đồng lên 650.000 đồng, tăng 15%. Thời điểm áp dụng dự kiến từ 1/10.
Hồng Khánh