Bộ trưởng Đỗ Quang Trung. Ảnh: Anh Tuấn |
Tại kỳ họp này, Bộ trưởng Nội vụ nhận được 14 chất vấn bằng văn bản. Trả lời chất vấn về việc triển khai chế độ tiền lương mới chậm, ông Trung cho biết, khi ban hành chế độ lương mới phải chuyển xếp toàn bộ thang bảng lương cho 1,5 triệu công chức. Việc soạn thảo, ban hành các Nghị định phải rất thận trọng, dẫn tới kéo dài. Thêm vào đó, Tết Nguyên đán đúng dịp triển khai lương mới nên nhiều cơ quan chưa tích cực thực hiện.
"Việc triển khai lương mới chậm có trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Thay mặt Ban chỉ đạo cải cách tiền lương tôi xin nhận trách nhiệm. Đến tháng 1/2005, chúng tôi đã hoàn tất văn bản chuyển xếp lương mới. Hiện nay, chỉ còn "nợ" 2 văn bản: chế độ phụ cấp với ngành giáo dục và y tế. Nếu đơn vị nào đến nay vẫn chưa thực hiện chế độ lương mới cho cán bộ là lỗi của lãnh đạo đơn vị đó", Bộ trưởng Nội vụ nói.
Trả lời chất vấn của cử tri về vấn đề định mức biên chế chưa phù hợp, Bộ trưởng cho biết, theo Nghị định 71, hằng năm HĐND tỉnh, thành ra Nghị quyết về chỉ tiêu biên chế, sau đó UBND tỉnh, thành căn cứ thực hiện. Với biên chế thuộc các bộ, ngành trung ương trong thời gian tới lãnh đạo các bộ, ngành sẽ tự quyết định.
Đại biểu chất vẫn Bộ trưởng Đỗ Quang Trung tại hội trường. |
Ngay sau khi Bộ trưởng Đỗ Quang Trung kết thúc phần trả lời chất vấn bằng văn bản, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga lên tiếng: "Một giáo viên có học vị tiến sĩ nếu dạy ở bậc phổ thông lương chỉ bằng người tốt nghiệp cao đẳng. Như vậy có phù hợp với chủ trương khuyến khích người tài không?". Ông Trung cho biết, thời gian tới sẽ có 3 ngạch lương với giáo viên tiểu học: lương cho giáo viên có trình độ trên chuẩn, đạt chuẩn và dưới chuẩn. Giáo viên bậc THCS, THPT cũng áp dụng như trên.
Đại biểu Nguyễn Kim Khanh chất vấn: "Tôi nhận nhiều thư của cán bộ nghỉ hưu, các cụ đề nghị nên giữ bí mật thời gian tăng lương. Trong đợt tăng lương 1/10/2004, sau gần 1 năm, khi họ nhận được lương mới thì giá cả đã tăng vọt. Lương tăng 10% nhưng trượt giá 20% nên thực chất thu nhập lại giảm 10%. Bộ trưởng cho biết, có cách gì để bù đắp thiệt thòi của cán bộ".
Ngừng lại giây lát, ông Khanh tiếp tục chất vấn: "Với tư cách Phó ban chỉ đạo cải cách tiền lương, bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình đến đâu?".
Bộ trưởng Trung giải trình, đề án tiền lương liên quan đến hàng triệu người, phải đưa ra các bộ ngành bàn thảo công khai, dân chủ. Do vậy, không thể giữ bí mật. "Còn việc có phải do tăng lương mà lên giá cả leo thang không, tôi chưa nghe thấy các bộ, ngành phản ánh điều này. Tôi không dám chủ quan nhận xét".
Ngừng lại giây lát, bộ trưởng Trung nhẹ nhàng: "Để cán bộ chậm lương, tôi vừa nhận trách nhiệm rồi. Nhưng Ban chỉ đạo cải cách tiền lương có tới 3 đồng chí phó ban. Trong cuộc họp báo đầu năm, chúng tôi đã nhận trách nhiệm là tham mưu chưa tốt, chỉ đạo chưa sát sao. Nhưng thưa với Quốc hội, nhiều việc chúng tôi không quyết định được. Ví dụ thang ngạch của một số đơn vị, chúng tôi phải báo cáo để Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội quyết định. Chúng tôi cũng phải chờ".
Xung quanh vấn đề bù trượt giá, ông Trung nói, chỉ số tăng lương năm nay cao hơn mức trượt giá. Tuy nhiên, do lương cơ bản quá thấp nên nhân dân chưa hài lòng. "Ngay chúng tôi là những người làm lương cũng không thỏa mãn. Cũng có đồng chí đề nghị chấp nhận lạm phát hoặc vay tiền để tăng lương. Nhưng sau khi bàn thảo kỹ, Chính phủ quyết định tăng lương phải dựa vào tình hình phát triển sản xuất", Bộ trưởng giải trình.
Là người cuối cùng chất vấn tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị người đứng đầu Bộ Nội vụ cho biết, đề án cải cách lương mới cho cán bộ hưu trí, cán bộ xã phường bao giờ hoàn thành. Mức tăng 10% lương vừa qua chưa đáp ứng cuộc sống của cán bộ hưu trí, trong lần điều chỉnh lương mới, đối tượng này sẽ được tăng bao nhiêu?
Bộ trưởng Trung cho biết, 1/10 năm nay tiếp tục nâng lương tối thiểu cho công chức, cán bộ hưu trí. Hiện nay, cũng đã có bảng lương riêng dành cho cán bộ xã. Đây là sự ưu ái của nhà nước dành cho công chức địa phương.
Việt Anh