Tại đó, họ đã quay lại cảnh những người dân đấm vào các cửa bệnh viện, các nhân viên y tế ngất xỉu vì kiệt sức và thân nhân than khóc trong vô vọng khi vĩnh biệt những người thân yêu.
Bây giờ, những hình ảnh này đã được đạo diễn ở New York Hao Wu biên tập. Được công chiếu tại Liên hoan Phim Toronto hôm 14/9, "76 ngày", cái tên được đặt theo khoảng thời gian Vũ Hán bị phong tỏa, là bộ phim tài liệu quy mô lớn đầu tiên ra rạp về tâm dịch Covid-19 những ngày đầu.
Được quay theo phong cách điện ảnh không lời thoại hoặc phỏng vấn trực tiếp trước máy quay, bộ phim hoàn toàn dựa vào sự chân thực của những cảnh quay bác sĩ và bệnh nhân vật lộn với một thực tế mới đáng sợ.
Đạo diễn Wu đã liên lạc với hai nhà làm phim, một trong số họ yêu cầu ẩn danh, sau khi họ về ăn Tết với gia đình và chứng kiến đợt phong tỏa đầu tiên của Trung Quốc. Thước phim mà họ gửi cho ông cho thấy trong sự hỗn loạn của những tuần đầu khi dịch bệnh bùng phát, hai người có thể tiếp cận đáng kể các bệnh viện, nhưng phải chịu những rủi ro và khó khăn cá nhân đáng kể.
"Đó là trải nghiệm quay phim khủng khiếp đối với họ", ông Wu nói. "Họ ngất xỉu, thực sự rất nóng. Có những lúc nhà làm phim Weixi Chen muốn ném kính bảo hộ đi nhưng không thể vì một khi đã cởi đồ bảo hộ, bạn phải ra ngoài và không thể quay lại. Giống như quay phim ở một vùng chiến sự".
Wu cũng có những lý do cá nhân để theo đuổi dự án này. Ông của đạo diễn qua đời vì ung thư ngay sau đại dịch, không được nằm viện vì mọi nguồn lực đã cạn kiệt dưới áp lực của Covid-19. Ông nói ban đầu "rất tức giận" và "muốn tìm ra ai là người có lỗi".
Nhưng khi đại dịch lan rộng đến những nước khác như Mỹ, mong muốn đổ lỗi được thay thế bằng khao khát ghi lại con người đã sống như thế nào qua cơn hoạn nạn và chúng ta có thể chia sẻ trải nghiệm này như thế nào.
Wu cho rằng ở một góc độ nào đó, việc tiếp cận ở Vũ Hán lại dễ dàng hơn. Wu nhận thấy rằng những lo ngại về quyền riêng tư và kiện tụng đã trở thành rào cản lớn đối với việc quay phim tại các bệnh viện ở New York.
Trong khi đó, các bệnh viện ở Vũ Hán đang rất thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân và ban đầu họ rất hoan nghênh việc đưa tin để kêu gọi các khoản đóng góp và tình nguyện viên hỗ trợ.
Bộ phim tránh đề cập đến chính trị và đổ lỗi mà tập trung vào những câu chuyện cá nhân về bi kịch và lòng dũng cảm, hy vọng và tuyệt vọng. Các nhân viên y tế dịu dàng nắm lấy bàn tay của những bệnh nhân bị cách ly với gia đình họ và người xem chỉ có thể phân biệt họ qua những nét nguệch ngoạc đầy màu sắc trên bộ quần áo bảo hộ kín mít từ đầu đến chân.
"Tôi rất muốn trình chiếu phim ở Trung Quốc,", ông Wu nói, người hy vọng phim có thể giúp quê hương mình nhìn lại những mất mát. "Rõ ràng ngay lúc này, hầu hết người Trung Quốc đều cảm thấy tự hào vì đất nước đã kiểm soát được đại dịch. Nhưng đó là một vết thương".
Anh Ngọc (Theo AFP)