Theo đó, tài liệu này cung cấp thực trạng chẩn đoán lao hiện tại, đồng thời giới thiệu mô hình AI chẩn đoán và tầm soát bệnh lao phiên bản đầu tiên. Công nghệ AI này do VinBrain nghiên cứu phát triển ra mắt hồi tháng 1 với mục tiêu tăng cường độ chính xác trong đọc ảnh X-quang phổi, áp dụng cho chẩn đoán và tầm soát bệnh lao. Giải pháp được phát triển thông qua nhiều bước, bao gồm thiết kế hệ thống, thu thập dữ liệu và gán nhãn, tiền xử lý và đào tạo mô hình, đánh giá mô hình, triển khai và theo dõi tối ưu mô hình. Đại diện VinBrain khẳng định, mô hình AI có độ nhạy 86% và độ đặc hiệu 96,1%.
Để phát triển mô hình AI chẩn đoán và tầm soát bệnh lao, VinBrain đã sử dụng nền tảng điện toán đám mây của Microsoft Windows Azure. Trên nền tảng này, VinBrain xây dựng, triển khai và quản lý ứng dụng thông qua các trung tâm dữ liệu toàn cầu của Microsoft. Đội ngũ công ty đã thu thập hơn 500.000 hình ảnh X-quang lao từ Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó, 185.486 hình ảnh đã qua làm sạch phục vụ cho việc dạy máy, đánh giá và kiểm thử.
Ông Trương Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty VinBrain chia sẻ, sách trắng về ứng dụng AI cho chẩn đoán và tầm soát bệnh lao đã tối ưu hóa việc ứng dụng các công cụ và công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị căn bệnh vốn được xem là "nan y". Các giải pháp về công nghệ sẽ góp phần vào mục tiêu quốc gia chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.
"Điều này không chỉ thể hiện tâm huyết đóng góp cho xã hội của Vingroup mà còn khẳng định chiến lược phát triển công nghiệp và công nghệ cao của tập đoàn", ông Hùng nhấn mạnh.
Đặc biệt, VinBrain đã tích hợp mô hình chẩn đoán và tầm soát bệnh lao vào phần mềm "trợ lý bác sĩ" DrAid. Đây là phần mềm ứng dụng AI có khả năng hỗ trợ chẩn đoán 21 dấu hiệu bất thường và bệnh lý về tim - phổi - xương với độ chính xác trên 88% trong 5 giây, đồng thời tự động đưa ra báo cáo y tế theo chuẩn quốc tế JCI. Sản phẩm đang triển khai tại 84 bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước trong đó có các bệnh viện hàng đầu như Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện TW Thái Nguyên.
Thông qua tích hợp, mô hình AI có thể chẩn đoán bệnh lao cùng lúc với các bệnh lý và bất thường về phổi khác. Các bác sĩ có thể sử dụng tính năng chẩn đoán và tầm soát lao của DrAid bằng cách tải hình ảnh X-quang trực tiếp từ máy chụp lên hệ thống và nhận lại kết quả gợi ý chẩn đoán từ AI.
Số liệu từ Chương trình chống Lao quốc gia (NTP) chỉ ra, bệnh lao là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm trên thế giới. Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất toàn cầu. Tuy nhiên, theo công bố của Điều tra dịch tễ bệnh Lao toàn quốc tại Việt Nam giai đoạn 2017-2018, khoảng 62% người mắc bệnh lao và có khả năng lây truyền sẽ bị bỏ sót khi chỉ tầm soát bằng phương pháp chẩn đoán tiêu chuẩn dựa vào triệu chứng ho kéo dài.
Đại diện VinBrain giải thích thêm, X-quang phổi thường là công cụ phân loại, hỗ trợ chẩn đoán lao hiệu quả và tiết kiệm về mặt chi phí. Do đó, ứng dụng AI dựa trên phương pháp X-quang sẽ giúp giảm thiểu số lượng bệnh nhân nhiễm lao bị bỏ sót, qua đó cắt giảm lây nhiễm lao trong cộng đồng.
Tiểu Gu