Theo đồ án quy hoạch trụ sở bộ ngành đến năm 2030 do Thủ tướng phê duyệt, khu Tây Hồ Tây (quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ) có diện tích 35 ha, nằm giữa khu trung tâm Tây Hồ Tây, bố trí tối đa 14 cơ quan. Các trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất, cao 12-25 tầng; các khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng về phía bắc và phía nam gắn với hai trục đường đô thị.
Không gian mở đi giữa lô đất, kết nối từ đông sang tây, có lối đi bộ rộng mở hai bên với các công trình dịch vụ công cộng phục vụ cán bộ, khách đến làm việc và người dân trong khu vực. Buổi tối, các tuyến phố được tổ chức nhiều hoạt động phục vụ chung cho cộng đồng.
Hiện nay 11 bộ, cơ quan dự kiến xây dựng trên khu Tây Hồ Tây gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) diện tích khoảng 55 ha, không gian tổng thể là các cụm công trình cao từ 17 đến 25 tầng bao quanh khu đất, tiếp giáp với đại lộ Thăng Long.
Hiện khu Mễ Trì đã có trụ sở Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định vị trí đất. Phần lớn diện tích đất còn lại dự trữ cho nhu cầu phát triển dài hạn, bao gồm cả cơ quan có thể thành lập trong tương lai.
Dự kiến số người làm việc của các cơ quan khoảng 18.700, trong đó khu Tây Hồ Tây khoảng 14.500 (gồm 1.000 người làm việc tại cơ quan dự trữ), khu Mễ Trì khoảng 4.200 người.
Hai khu Tây Hồ Tây và Mễ Trì đều cơ bản là đất nông nghiệp, không có công trình kiến trúc xây dựng kiên cố. Khu Tây Hồ Tây có nhiều thuận lợi hơn khi nằm trong lõi khu vực đã được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh.
Về nguồn vốn, quy hoạch xác định vốn đầu tư công dùng giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các trụ sở làm việc của bộ ngành. Vốn xã hội hóa được đầu tư các công trình công cộng, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, khách sạn...
Theo lộ trình, từ năm 2023 đến 2025, các cơ quan sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, trụ sở, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; từ 2026 đến 2030 sẽ xây dựng, hoàn thành trụ sở một số cơ quan có nhu cầu cấp thiết di dời; từ 2031 đến 2035 xây dựng trụ sở các bộ ngành còn lại và công trình công cộng.
Lý giải việc lập đồ án quy hoạch, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Tường Văn nói hệ thống công sở các cơ quan bộ ngành đang hoạt động đã hình thành khá lâu, bố trí phân tán tại nhiều địa điểm ở Hà Nội. Việc sắp xếp lại trụ sở cùng việc cải cách thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng cơ quan hành chính trung ương là nhu cầu cấp thiết, phù hợp với mô hình Chính phủ điện tử.
Sau khi Chỉnh phủ phê duyệt quy hoạch, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan phải di dời trụ sở lập phương án tổng thể sắp xếp lại và xử lý các cơ sở nhà, đất. Nguồn thu được từ việc xử lý nhà, đất tại vị trí cũ sẽ được ưu tiên bố trí thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cân đối, bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện chuẩn bị đầu tư.
Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương đề xuất Chính phủ phương án, nguồn vốn đầu tư hạ tầng cây xanh, cảnh quan, công trình công cộng trong khu vực đã được quy hoạch.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, đánh giá đây là thời điểm thích hợp để triển khai quy hoạch bởi Hà Nội đang di dời các trường đại học, cao đẳng về phía tây khu Hòa Lạc, Xuân Mai và nhiều trụ sở các cơ quan ra khỏi nội đô.
Hà Nội sẽ đầu tư kết nối hạ tầng khu quy hoạch, đề xuất dự án đầu tư hạ tầng cây xanh, cảnh quan, công trình công cộng.