Hiện chưa có thống kê số lượng tạp chí, tập san, ước tính lên đến hàng triệu và tiếp tục tăng. Tuy nhiên, không phải tạp chí nào cũng có giá trị như nhau và được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Có tạp chí rất dễ đăng, cũng có tạp chí là mơ ước cả đời của nhiều nhà khoa học.
Không phải tạp chí ISI, Scopus nào cũng được đánh giá cao
Giới khoa học thường phấn đấu công bố nghiên cứu trên các tạp chí thuộc ISI và Scopus do có uy tín với hệ thống bình duyệt khó khăn. Viện Thông tin khoa học ISI (Institute for Scientific Information) được thành lập bởi nhà khoa học Mỹ - Eugene Garfield vào năm 1960, sau đó sát nhập vào tập đoàn Thomson Reuters. Với hơn 10.000 tạp chí khoa học, ISI sẽ đánh giá, xếp hạng theo các lĩnh vực.
Cũng như ISI, Scopus là hệ thống dữ liệu khoa học với hơn 20.000 tạp chí chuyên ngành trong các ngành khoa học kỹ thuật, y tế, và xã hội, trong đó lĩnh vực xã hội là chủ yếu.
Chất lượng các tạp chí thuộc hai hệ thống trên được đánh giá dựa trên hệ số ảnh hưởng IF (Impact Factor) chia làm bốn nhóm từ quarter 1 đến 4. "Công trình được công bố ở tạp chí thuộc nhóm q1 đương nhiên sẽ chất lượng và khó đăng hơn q4", giáo sư Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) nói.
Chỉ số này được tính bằng tổng số lần bài báo đó được trích trong hai năm chia cho tổng số bài được trích dẫn. Ví dụ, nếu tạp chí có 100 bài trong hai năm 2016 và 2017 và được trích dẫn 200 lần thì IF của năm 2018 là 2.
Theo giáo sư Chính, khối khoa học kỹ thuật thường bắt buộc phải có bài đăng trên tạp chí là ISI, còn Scopus thường cho khối xã hội do đặc thù ngành. Dù vậy, ngay trong ISI vẫn tồn tại tạp chí dễ đăng, có thể thuộc q4 được đánh giá không cao. Vì vậy, nhiều nơi yêu cầu nhà khoa học phải có bài đăng từ q3 trở lên.
Nhiều bài báo bị từ chối
Công bố trên các tập san uy tín sẽ có nhiều người đọc, tham khảo và trích dẫn. Vì vậy tạp chí càng có sức ảnh hưởng lớn càng khó đăng. New England Journal of Medicine, Science, Nature, Cell từ chối khoảng 90-95% bản thảo. Trong lĩnh vực y khoa, các tập san JAMA, BMJ, Nature Medicine, Annals of Internal Medicine, Journal of Clinical Investigation tỷ lệ từ chối khoảng 80-90%.
Trong khi đó, tập san có hệ số ảnh hưởng thấp xu hướng chấp nhận bản thảo trên 50%, có khi lên đến 80%. Đây chính là lý do tại sao công bố trên những tập san có uy tín cao là một dấu ấn về đẳng cấp của nhà khoa học.
Theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Australia), bài báo khoa học thường bị từ chối ở ba giai đoạn gồm: ban biên tập, bình duyệt và tái bình duyệt.
Một nghiên cứu trên tập san British Medical Journal (một trong những tập san y khoa hàng đầu thế giới) cho thấy, giai đoạn 1 (tức ban biên tập) tỷ lệ từ chối khoảng 50% bài báo gửi đến và không gửi ra ngoài để bình duyệt. Giai đoạn 2, sau khi gửi đi cho các chuyên gia bình duyệt, tỷ lệ bị từ chối khoảng 45%. Ngay cả ở giai đoạn 3 là tái bình duyệt, xác suất bị từ chối khoảng 5%. Vì vậy, người nghiên cứu phải chọn tạp chí phù hợp để đăng công bố.