Hàng năm cứ đến tháng 7, thị trấn Abyei (khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan) bước vào mùa mưa. Tuần nào cũng có 2-3 trận mưa lớn, cao điểm vào tháng 8, mưa kéo dài 10 ngày liên tục. Không có hệ thống thoát nước, kênh mương không nạo vét nên hàng chục nghìn dân phải lội trong biển nước cao đến đầu gối.
Sống trong nỗi bất an, di tản vì xung đột, tranh giành lãnh thổ, người dân Abyei hầu như không có nhà. Nơi ở của họ là các túp lều dựng bằng vách đất, lợp lá, rộng chừng 7 m2. Không có nơi tắm giặt, nấu nướng, nhà vệ sinh, khi nước dồn đến đã kéo theo chất thải bốc mùi, nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh tả.
Cuối tháng 7/2022, trước đợt mưa ngập lớn nhất trong 100 năm qua, ông Apach Deng Biong, Thị trưởng thị trấn Abyei, đã cầu cứu sự giúp đỡ từ Phái bộ An ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc (UNISFA). Đội Công binh Việt Nam được Phái bộ đề xuất thực hiện nhiệm vụ dù mới triển khai đến Abyei được hai tháng.
Đại tá Mạc Đức Trọng, Cục phó Gìn giữ Hòa bình, Đội trưởng Công binh số 1 cùng một số thành viên bắt đầu chuyến khảo sát, đánh giá tình hình. "Chúng tôi xót xa khi nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ 3-5 tuổi bì bõm lội nước trong các túp lều, quyết tâm phải nghĩ bằng được cách giúp dân", anh Trọng nói.
Sau nhiều giờ khảo sát, đại tá Trọng nhận ra ba khó khăn lớn. Địa hình Abyei không có độ dốc; đất no nước nên không thể tiếp tục ngấm; lòng sông đều bị bồi lấp nên nước không thoát. Sau khi dò hỏi, khảo sát bản đồ, Đội Công binh xác định được hai vị trí có thể thoát nước. Nửa phía nam xây hệ thống mương dẫn vào hồ nhân tạo do Phái bộ đào từ trước, còn nửa phía bắc, nước sẽ đưa ra khu vực đầm lầy trũng hơn.
Chốt phương án, Đội Công binh Việt Nam triển khai ba máy xúc đào mương chính đưa nước về hai phía. Chỉ hai ngày sau khi hoàn thành, nước rút gần hết. Tuy nhiên, Đội xác định chỉ hai dòng thoát nước là không đủ. Hệ thống mương cần đào theo hình xương cá, vào đến tận khu dân cư. Những người lính tiếp tục lên kế hoạch, xây dựng phương án, điều động nhân lực tức tốc thực hiện trong khi vẫn phải hoàn thành các nhiệm vụ Liên Hợp Quốc giao.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thứ, sĩ quan Tham mưu hậu cần của UNISFA, cho biết ngoài thiếu thốn vật chất, trang bị, thời tiết khắc nghiệt thì sự ngờ vực của người dân đối với lực lượng gìn giữ hòa bình là trở ngại lớn nhất khi xây dựng công trình. Nguyên nhân là trong 11 năm Phái bộ UNISFA được thành lập, đây là lần đầu tiên một đơn vị gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trực tiếp đến hỗ trợ, giúp đỡ người dân. "Cũng có thể họ quá mệt mỏi sau những lần di tản nên chán chường với tổ chức quốc tế hiện diện tại Abyei", anh Thứ nói.
Lúc mới triển khai máy móc, người dân phản đối quyết liệt việc xúc đất, đào mương vì lo mương nước chặn lối ra đường. Căng thẳng nhất là khi một số thanh niên say rượu, nhận thức hạn chế đã đem gạch đá, gậy gộc ra dọa nạt, đập phá máy móc của Đội Công binh khiến việc thi công phải tạm dừng.
Đội phải đến từng nhà làm công tác dân vận, kiên nhẫn giải thích sau khi đào mương sẽ tìm vật liệu lắp cống cho họ đi qua. Bộ đội cũng mời đại diện chính quyền, người cao tuổi có uy tín trong làng đến thuyết phục để người dân yên tâm. "Nhiều lúc rất căng thẳng, nhưng chúng tôi quyết tâm làm vì thực tâm muốn giúp đỡ người dân Abyei chứ không đơn thuần chỉ là nghĩa vụ, công việc", đại tá Trọng chia sẻ.
Đúng lúc này, Phái bộ UNISFA thay mới hàng loạt ống cống sắt bằng bêtông. Đội công binh huy động cán bộ, chiến sĩ thu gom, xin lại ống cống cũ để sửa, lắp cầu cho người dân. Mỗi ống cống rộng khoảng một mét, tạo thành bởi hai hình bán nguyệt, ghép bằng ốc. Ở những đoạn người dân đi lại, bộ đội lắp cống rộng 1m. Nơi có phương tiện đi qua thì lắp cống rộng 4 m. Tổng cộng, gần 150 ống cống đã được lắp tại các mương dẫn nước.
Tháng 10, tình trạng ngập do mưa cơ bản được giải quyết, nhưng Đội Công binh lại đối mặt với thử thách tiếp theo là nước lũ đổ về. Hệ thống mương vừa đào cũng ngập trắng. Người dân thêm một lần nữa đối mặt với tình cảnh dịch bệnh, khủng hoảng.
Khi đó, hồ nhân tạo và vùng đầm lầy đã ngập nước. Bộ đội Việt Nam nghĩ ra cách xây hệ thống gồm ba cống đường kính khoảng 1 m, tổng chiều dài 25 km, dẫn nước từ thị trấn ra thẳng khu rừng Ninkuac cạnh đó. Phương án này tối ưu vì rừng có thể trữ lượng lớn nước mà không đổ ngược lại về phía thị trấn.
Hệ thống mương nước hoàn thành, nước rút hết. Người dân Abyei sung sướng khi nhìn thấy những con mương chạy thẳng tắp dọc các con đường. Đến lúc này, họ mới cảm nhận và dành nhiều tình cảm cho Đội Công binh Việt Nam cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Thị trưởng Abyei thì liên tục cảm ơn Đội Công binh Việt Nam - đơn vị đầu tiên của Liên Hợp Quốc đã hành động thiết thực giúp người dân.
Theo đại tá Mạc Đức Trọng, điều may mắn nhất là Đội Công binh đã ngăn chặn thành công đợt dịch bệnh lớn cho thị trấn Abyei. Đội xác định đào mương, chống ngập là chưa đủ nên sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm phương pháp, vật liệu mới để chống ngập bền vững cho khu vực này. "Trước mắt, chúng tôi lên kế hoạch nạo vét kênh, mương hàng năm đảm bảo hệ thống này hoạt động hiệu quả", Đội trưởng Công binh cho hay.
Abyei là khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. Hai nước đã ký Thỏa thuận ngày 20/6/2011, cam kết rút quân khỏi khu vực phi quân sự tại Abyei và thiết lập cơ chế hỗn hợp để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cho đến nay hai nước chưa có nhiều tiến triển thực chất.
UNISFA (Phái bộ An ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc tại khu vực Abyei) được thành lập năm 2011 theo Nghị quyết 1990 của Hội đồng Bảo an với nhiệm vụ bảo vệ thường dân và thúc đẩy phi quân sự hóa tại Abyei, được bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ Cơ chế Hỗn hợp về Kiểm chứng và Giám sát biên giới chung (JBVMM) tại Abyei theo Nghị quyết 2024 ngày 14/12/2011.
Tháng 5/2022, Việt Nam lần đầu tiên cử Đội Công binh tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ UNISFA. Đội Công binh số 1 với biên chế 184 người có nhiệm vụ khảo sát, bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường vận tải chính, vận tải dự phòng; sửa chữa khôi phục đường băng dã chiến; chuẩn bị và bảo dưỡng các tuyến đường kết nối căn cứ, xây dựng bãi đỗ trực thăng, kiểm tra, khắc phục sự cố giao thông...