Trong hội nghị thường niên của Cộng đồng sinh thái học Mỹ tổ chức mới đây, các nhà khoa học lần đầu cảnh báo loài còng đang góp phần làm tăng số lượng khí nhà kính trong khí quyển.
Còng (tên khoa học Minuca pugnax) là loài đặc trưng ở những vùng ngập mặn, thường sống trong các hang tự đào dưới lớp bùn nông. Mỗi con còng biển nhỏ có thể đào hàng trăm hang, mật độ lên tới 700 hang/m2, thậm chí chúng còn không sử dụng hết hệ thống hang đào này.
Sự hoang phí này ảnh hưởng lớn tới môi trường. Các nhà khoa học cho biết mỗi hang trong khu bùn đất mà còng xới lên đều là một nguồn khí thải nhà kính, bởi còng đã vô tình phơi các lớp hữu cơ phân rã và thải một lượng CO2 ra ngoài khí quyển. Các nhà khoa học ước tính lượng CO2 trong một khu ngập mặn mà còng biển tạo ra một năm tương đương việc đốt 515 triệu lít xăng dầu.
Các nhà khoa học từ Đại học Hong Kong (Trung Quốc) và Chicago (Mỹ) đã nghiên cứu định lượng CO2 ở khu ngập măn vịnh Cape Cod (Mỹ), nơi sinh sống của còng biển. Kết quả cho thấy lượng CO2 ở những nơi có hang còng nhiều hơn 3 lần khu vực không có. Thậm chí có những hang, thành phần khí thải còn chứa khí metan.
Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu này cho thấy tình trạng tương tự đối với loài động vật chuyên đào hang như tôm hoặc cua. "Chúng tôi đang nghiên cứu thêm liệu khi hang còng càng lớn thì lượng khí CO2 thải ra càng nhiều hay không", TS Laura Agusto từ Đại học Hong Kong cho biết.
Nguyễn Xuân (Theo Science Magazine)