Bạn bè cùng lứa, đặc biệt ở các trường dân lập, nhét dao vào cạp quần chạy quanh thành phố là khung cảnh bình thường. Tôi không phải mẫu dao kiếm, nhưng cá độ bóng đá và lô đề cũng chơi từ năm lớp 7, cũng có những ngày thản nhiên bước đến trước mặt chủ bóng xé phong bì tiền học mẹ vừa đưa, ném xuống bàn. Rồi mất sạch.
Nhưng rồi chúng tôi cũng thành người, giờ nhìn lại không thấy ai vào tù ra tội hay giang hồ lông bông. Ai cũng tất bật làm ăn buôn bán, gia đình con cái. Chuyện nhất quỷ nhì ma thời nào cũng có, ở thành phố cảng quê tôi biểu hiện trông còn đáng sợ hơn. Nhưng tuổi mới lớn, chúng tôi không đủ nhận thức để sợ những chuyện ấy, thấy chúng đơn giản. Mười mấy năm sau, ông em ruột tôi, học đến cuối cấp 2, có ngày bất ngờ mở cặp ra cũng thấy có con dao. Bây giờ tôi đã làm người lớn rồi, nghĩ đến cũng bực mình, nhưng rồi nhớ lại ai cũng có thời như thế. Và câu hỏi đặt ra, là ta ứng xử với những tình huống ấy như thế nào? Nhờ cơ quan chức năng can thiệp?
Nếu muốn hình sự hoá tất cả những suy nghĩ, hành động của trẻ con, thì có lẽ ở thời của tôi, ở thành phố nơi tôi đã lớn lên, công an trong trường học sẽ nhiều hơn giáo viên. Nhưng rất may là các thầy cô đã không lựa chọn làm như thế. Cũng không phải ai cũng thành công, ai cũng được học trò yêu quý, tôi nhớ cũng có những ngày cô giáo chủ nhiệm bất lực khóc giữa lớp. Nhưng ít người lựa chọn phương pháp “gọi công an”, mà kiên trì đối thoại.
Tôi nhớ lại một quãng thời gian điên khùng của tuổi mới lớn ấy, khi đọc được liên tiếp những thông tin về việc “nhà trường mời công an vào làm việc” thời gian gần đây.
Ba em học sinh ngồi cạnh nhau cùng được 10 điểm môn Lý, trong đó có một em được điểm 0 môn Toán: Công an vào cuộc. Một nhóm học sinh ở Huế tự quay clip hài về kỳ thi tốt nghiệp THPT? Sở giáo dục cũng mời công an vào cuộc. Hồi tháng 3, có hai em học sinh cấp 3 ở Gia Lâm, Hà Nội mâu thuẫn đánh nhau, nhà trường cũng “mời công an vào cuộc”.
Một em học sinh lớp 10 trở về từ đồn công an với những vết thâm tím trên người. Em kể, mình bị công an xã đánh phải “khai nhận việc xô xát với học sinh cùng trường”.
Công an vào cuộc vì quay cóp. Công an vào cuộc vì học sinh chế giễu kỳ thi. Công an vào cuộc vì học sinh đánh nhau. Và công an vào cuộc, vì chính những người mang trách nhiệm giáo dục các em kêu gọi.
Tôi tự hỏi rằng liệu có phải là nhà trường của chúng ta bây giờ thiếu công cụ giáo dục đến thế. Và nếu thiếu, tại sao chính các nhà giáo không lên tiếng để xin thêm, để có thể đối thoại, có thể bảo ban những đứa trẻ, mà phải gọi công an vào cuộc trong những trường hợp như thế?
Nhà trường thiếu giáo viên, giáo viên thiếu thời gian, đó đều là các vấn đề nội tại của ngành giáo dục và cần giải quyết trong nội tại ấy chứ không thể là lý do cho việc chối bỏ trách nhiệm giáo dục. Liệu tôi có thể coi đó là một sự mâu thuẫn, khi mục tiêu của “nhà trường” được chỉ rất rõ là “phát triển sự nghiệp giáo dục” (theo định nghĩa của Bộ giáo dục và Đào tạo). Sự nghiệp giáo dục có thể là của toàn dân, có thể là của ngành công an nữa, nhưng “phát triển” sự nghiệp ấy thì phải bằng những phương pháp tích cực và nhân văn, bằng cách tìm ra cách làm mới, chứ không phải bằng cách đẩy con người cho hệ thống hành pháp. Nhà trường gọi công an, liệu có phải là một sự thừa nhận bất lực trong giáo dục.
Tôi không tin điều đó, khi theo dõi phản ứng của dư luận với 2 cậu thiếu niên cướp giật bánh mì mới đây, đặc biệt là khi đọc chỉ đạo của chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về vụ việc này. Văn bản ấy yêu cầu xem xét biện pháp “giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích trong xã hội” cho hai chàng trai này, thay vì tống giam họ. Chỉ đạo ấy, được rất nhiều người hoan nghênh. Sau tất cả những bi kịch, những vụ án khiến xã hội bàng hoàng, chúng ta vẫn có quyền tin vào sự giáo dục hơn là sự trừng phạt.
Tôi muốn tin vào điều đó, bởi vì bây giờ đọc lại Bộ luật Hình sự, có lẽ nhiều người trong chúng tôi đã bị tống giam nhiều lần, kể cả tôi, nếu nhà trường thời ấy quyết gọi công an. Chỉ có điều, với lý do nào đó, nhiều người mang danh nhà giáo dục đang không còn thực sự tin vào giáo dục nữa.
Đức Hoàng