Tọa đàm do Ban Chuyên đề Công an TP HCM phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức với chủ đề "Nâng cao năng lực phòng chống tội phạm tài chính trên không gian mạng". Sự kiện có sự tham gia của hơn 200 đại biểu từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.
Phát biểu khai mạc, Đại tá Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Công an TP HCM, nhấn mạnh tọa đàm nhằm nhận diện rõ các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực tài chính và công nghệ cao. Ông cho biết cần xác định rõ nguyên nhân, xu hướng của loại tội phạm này để đưa ra các biện pháp khuyến cáo và phòng ngừa cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, lãnh đạo ngành công an cũng đề cập đến việc sửa đổi một số chính sách và quy định để ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm trong lĩnh vực này.
Đại diện PA05, PC03 và PC02 thuộc Công an TP HCM cũng chia sẻ về các thủ đoạn tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Các đơn vị nêu ra những khó khăn và đề xuất biện pháp tháo gỡ cụ thể dựa trên tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển công nghệ hiện nay.
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực VBA cho rằng nên phổ cập kiến thức về blockchain và AI đến mọi đối tượng cộng đồng để giảm thiểu tình trạng lừa đảo. Ông nhấn mạnh hình thức đào tạo cần linh hoạt và đa dạng, bao gồm đào tạo trực tiếp, tổ chức hội thảo, diễn đàn và online qua nền tảng MasterTeck.
Đại diện VBA cũng nêu sự cần thiết trong việc tăng cường đào tạo nội bộ, nâng cao kiến thức chuyên môn cho lực lượng chức năng. Các đơn vị có thể phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức cung cấp dữ liệu uy tín và các chương trình truy vết trên mạng blockchain (on-chain) như ChainTracer để tối ưu hiệu quả điều tra, xác định và ngăn ngừa các giao dịch bất hợp pháp.
Đồng quan điểm, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Chánh, Trưởng khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường. Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cho biết đảm bảo an toàn trên không gian mạng là mục tiêu lớn. Do đó, nâng cao ý thức cảnh giác cho cộng đồng là rất quan trọng.
Ông Ngô Minh Hiếu - Giám đốc Dự án Phòng chống lừa đảo cho biết tâm lý của nạn nhân là một trong những rào cản lớn khiến nhiều người không muốn trình báo. Chẳng hạn, đối với các nạn nhân bị lừa khoản tiền lớn, đa phần từ lừa đảo tình cảm, thường lo lắng bị ảnh hưởng đến uy tín và các mối quan hệ xã hội. Một số người khác lại cho rằng số tiền quá nhỏ nên không muốn báo cáo cơ quan chức năng.
"Việc chống lừa đảo trên không gian mạng không hề khó. Người dân chỉ cần chậm lại, kiểm chứng thông tin và báo cáo các cơ quan chức năng thì có thể giảm thiểu nguy cơ lừa đảo", ông Hiếu nói.
Để giảm thiểu tội phạm tài chính trên không gian mạng, tọa đàm đã thảo luận về cơ chế quản lý các sàn giao dịch tiền mã hóa, tập trung vào việc phòng chống rửa tiền.
Theo ông Phan Đức Trung, số liệu từ Chainalysis cho thấy gần 100 tỷ USD tiền mã hóa bất hợp pháp đã được rửa từ 2019 đến 2024 qua các dịch vụ chuyển đổi. Năm 2022 cao nhất với 31,5 tỷ USD. Ở Việt Nam nhiều đơn vị không rõ thông tin như CrossFi hay Bom Network liên tiếp tổ chức hội thảo kín nhằm huy động vốn. Các sàn giao dịch như Mexc hay Binance quảng bá công khai dù không được cấp phép tại Việt Nam.
Lãnh đạo VBA cho biết các quốc gia phát triển đã ngăn chặn xử lý các sàn không tuân thủ quy trình phòng chống rửa tiền. Ví dụ, Binance bị phạt hơn 4,3 tỷ USD tại Mỹ. Tại Việt Nam, ông cho rằng cần có hành động từ khâu phòng ngừa để ngăn chặn hành vi khi chưa hình thành.
Đại diện VBA cũng giải thích giao dịch trên blockchain là bán ẩn danh nên việc truy vết dòng tiền là đơn giản. Cơ quan chức năng có thể theo dõi khi chuyển từ ví tiền mã hóa sang nền tảng tài chính truyền thống.
Hoài Phương