Vào đầu năm 1995, lúc đang giữ chức phó giám đốc Công an TP HCM, tôi có nhận một bản báo cáo khá dài của tình báo quân đội về nhân vật Trương Văn Cam, với hàng loạt thông tin về hoạt động tội phạm trong bóng tối. Điều đặc biệt là, liên quan đến đối tượng này có khá nhiều cán bộ, chiến sĩ của mình. Do vậy, tôi nghĩ điều tra làm rõ hoạt động của Năm Cam không phải dễ.
Sau khi bàn bạc với những người thân tín, tôi quyết định ra báo cáo trực tiếp Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau khi xem báo cáo, Thủ tướng chỉ đạo: “Chú phải làm ngay”. Nhưng tôi đã trình bày những khó khắn lúc bấy giờ trong nội bộ Công an TP và mong muốn Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ. Sau đó, Thủ tướng đã bút phê chỉ đạo lãnh đạo Bộ Công an đứng ra giải quyết. Từ chỉ đạo đó, Bộ Công an đã phân công cho Tổng cục Cảnh sát. Tôi được gọi trở ra Hà Nội và một ban chuyên án được thành lập, trong đó gồm có tôi, anh Lê Thế Tiệm (hiện là Thứ trưởng Bộ Công an), anh Trịnh Thanh Thiệp (nguyên tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát)...
- Ngoài những thông tin từ tình báo quân đội, ông có biết gì thêm về quan hệ của Năm Cam với cán bộ mình?
Ông Trần Văn Tạo (Tư Tạo) hiện là Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP HCM. Năm 1995-1996, ông là Phó giám đốc Công an thành phố, Chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát. Sau đó ông giữ chức Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy. |
- Biết nhiều chứ. Mặc dù tôi đã phân công anh Q.H.D. (lúc đó là phó phòng cảnh sát hình sự) thường xuyên đeo bám và báo cáo về mọi sự di chuyển của Năm Cam, nhưng không biết sao, Năm Cam lại “xổng” khỏi TP HCM, rồi tung tin là đi miền Tây. Trước tình huống bất ngờ đó, tôi chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát tất cả những cửa ngõ ra vào của thành phố. Cuối buổi chiều, có tin báo bắt được chiếc xe của Năm Cam, nhưng chỉ có tài xế. Để khỏi bị lộ, tôi yêu cầu cảnh sát giao thông đến xin lỗi tài xế vì kiểm tra lầm. Sau đó rà lại mới biết Năm Cam đã bay ra Hà nội để “chạy thuốc”. Chúng tôi cũng quyết tâm bắt quả tang sòng bài ở quận 8, nhưng lần nào triển khai cũng gặp cảnh “vườn không nhà trống”.
Tôi còn biết một phó phòng cảnh sát hình sự lúc đó còn điện thoại cho Năm Cam bày cách cho hắn tiếp cận tôi qua cô Lan, em gái tôi (lúc đó là Bí thư Quận ủy quận 4). Năm đó mẹ tôi mất, đề phòng bọn tội phạm bén hơi đến gửi tiền với hình thức phúng điếu, tôi quyết định miễn chấp điếu.
Thời điểm đó, rất nhiều người, trong đó có em gái tôi, phản đối kịch liệt việc đồng bọn Năm Cam mở nhà hàng sát vách Công an quận 4. Nhưng rồi bọn chúng vẫn làm được. Thật không hiểu. Có lần hai băng nhóm ở chợ Đũi (quận 3) thanh toán nhau quyết liệt. Thay vì tham gia xử lý, hình sự quận lại điện cho Năm Cam nhờ “anh Năm” đến can thiệp, chứ họ không làm nổi.
- Thái độ của lãnh đạo TP HCM ra sao?
- Có người trong lãnh đạo thành phố đã nói thẳng: “Tôi không còn tin Công an thành phố nữa”. Nhưng khi biết Bộ Công an chỉ đạo làm án, từ lãnh đạo Thành ủy đến UBND đều rất quyết tâm. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc đó là phải khởi tố cho được Năm Cam để đưa ra xét xử.
- Nhưng Năm Cam đã không bị xử lý. Tại sao vậy?
- Năm Cam bị trinh sát hình sự Hoàng Ngọc của Cục Cảnh sát hình sự điều đến khách sạn Minh Tâm (góc đường Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Trãi) để bắt. Hắn thừa nhận biết bị công an điều đi, nhưng không hề nghĩ mình bị bắt bởi thông tin về các hoạt động tội phạm của y thì đầy rẫy nhưng để chuyển thành chứng cứ thì phải qua thủ tục tố tụng. VKSND Tối cao lại từ chối phê chuẩn lệnh giam. Không còn cách nào hơn là phải chuyển Năm Cam sang tập trung cải tạo.
(Theo Tuổi Trẻ)