Ngày 1/11, thượng tá Nguyễn Quang Thắng (Phó phòng Tham mưu Công an TP HCM) cho biết, hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng đen và các hành vi trái pháp luật liên quan, vẫn diễn biến phức tạp tại thành phố.
Các tổ chức tín dụng đen thường ngụy trang hành vi cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng mua bán xe trả góp; hoặc chỉ cần giữ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người vay... Thủ đoạn này nhằm đối phó, công an không thu thập được bằng chứng thể hiện việc vay mượn tiền.
Điều đó dẫn đến nhiều hệ lụy bất ổn trong xã hội. Khi người dân không có khả năng trả nợ sẽ bị băng nhóm xã hội đen bắt giữ, tạt mắm tôm vào nhà, cố ý gây thương tích, đe dọa...
"Công an TP HCM đã lên danh sách 600 anh chị hoạt động cho vay lãi nặng, đang thu thập tài liệu để xử lý, đồng thời tăng cường kiểm tra các công ty đòi nợ, dịch vụ cầm đồ núp bóng cho vay", ông Thắng nói.
Tuy nhiên, theo đại diện Công an TP HCM, dù ngành công an đã khám phá nhiều vụ, bắt nhiều kẻ liên quan và tuyên truyền rộng rãi nhưng vẫn có nhiều người rơi vào "bẫy" tín dụng đen.
Mới đây nhất, hôm 30/10, Công an quận 12 bắt 5 người trong băng nhóm do Nguyễn Văn Năm (27 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cầm đầu, về hành vi Bắt giữ người trái pháp luật.
Theo điều tra, đầu năm nay Chị Vân (33 tuổi) kẹt tiền nên gọi đến số điện thoại trên các tờ quảng cáo cho vay tiền của "công ty tài chính" do Năm quản lý tại quận 12. Chị được cho vay 25 triệu, trả góp mỗi ngày 400.000 đồng trong ba tháng. Chị Vân cũng giới thiệu 5 người bạn vay của Năm 10-15 triệu đồng bằng hình thức tương tự. Khi một số người không còn khả năng đóng tiền, Năm buộc chị này gánh nợ thay, tổng cộng 80 triệu.
Chiều 27/10, chị Vân bị chúng bắt về quán nhậu đánh đập, bắt gọi điện cho chồng mang 40 triệu đồng đến trả trước. Nếu chậm trễ, cứ 5 phút chúng lại đánh chị này.
Cùng với việc xử lý những kẻ cho vay nặng lại, Công an TP HCM cũng lên kế hoạch tăng cường rà soát, kiểm tra những công ty đòi nợ thuê biến tướng, có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Các công ty này thường sử dụng chiêu trò, đe dọa mang tính chất xã hội đen; trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.
UBND TP HCM đã kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Nếu không thể cấm, thành phố đề nghị trung ương ban hành các quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động, tránh tụ tập băng nhóm gây mất an ninh trật tự.
Tính đến cuối năm 2017, thành phố có 65 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, chỉ có 44 công ty hoàn tất thủ tục và được cơ quan công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động. Các công ty này vốn điều lệ lớn nhất là 200 tỷ đồng, thấp nhất là 2 tỷ đồng. Số doanh nghiệp "chui" còn lại không hoạt động tại địa điểm đã đăng ký.
Thiên Ngôn