Trưa 29/3, buổi họp báo thường kỳ của UBND TP HCM "nóng" bất thường khi có khoảng 100 phóng viên báo đài tham dự. Trong gần hai giờ, hơn 10 câu hỏi đưa ra đều tập trung vào công tác điều tra, trách nhiệm trong vụ cháy chung cư Carina Plaza (quận 8) làm 13 người chết, hơn 90 người nhập viện.
Ba nguyên nhân khiến hậu quả bi thương
Là người đầu tiên trả lời, đại tá Nguyễn Văn Băng (Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM) cho biết, có ba nguyên nhân khiến vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng là: báo cháy chậm, hệ thống PCCC của chung cư không hoạt động, hệ thống thoát nạn (cầu thang thoát hiểm) đã bị vô hiệu hóa.
Từ khi được nghiệm thu và đưa vào sử dụng (năm 2012) đến nay, Cảnh sát PCCC đã kiểm tra chung cư Carina 22 lần, trong đó 4 lần chủ đầu tư bị xử lý vi phạm hành chính với 7 lỗi về hệ thống phòng cháy và hệ thống thoát nạn.
"Gần nhất là tháng 12/2017, cán bộ kiểm tra phát hiện và lập biên bản có hai máy bơm ở chung cư này không hoạt động", ông Băng nói và cho biết hiện Cảnh sát PCCC chưa đình chỉ hay kỷ luật bất kỳ cán bộ chiến sĩ nào trong vụ cháy.
Công an đang cá thể hóa trách nhiệm hình sự từng người
Trong khi đó, đại tá Nguyễn Sỹ Quang (Chánh Văn phòng Công an TP HCM) cho biết, điều tra bước đầu nhà chức trách phát hiện vi phạm trong công tác trang bị, vận hành PCCC tại chung cư Carina.
"Nguyên nhân vụ cháy xuất phát từ chập điện xe gắn máy, loại trừ các yếu tố gây nổ, cháy do cố ý. Trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tập thể vẫn đang được điều tra và cần có thời gian. Khi xác định cụ thể sẽ xử lý nghiêm", ông Quang nói.
Người phát ngôn của Công an TP HCM cũng khẳng định không có các vụ việc cư dân chung cư bị đe dọa, hôi của, mất cắp hay cư dân bị ngăn cản không cho vào nhà lấy đồ.
Chủ đầu tư Carina nhập viện, từ chối giấy triệu tập
Nói rõ hơn về quá trình điều tra vụ cháy, đại tá Nguyễn Minh Thông (Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM) cho biết, tia lửa điện phát ra từ xe Attila lúc 1h15 ngày 23/3. Hơn một phút sau khu vực để chân phía sau xe có khói và lửa nhỏ. Gần 5 phút tiếp đó, lửa bùng lên ở đầu xe.
Lửa lớn dần trong suốt 8 phút, cao ngang ống thông gió của tầng hầm và cháy lan sang các xe máy xung quanh. Đám cháy ngày càng lớn, kéo dài hơn 13 phút nữa thì điện trong tầng hầm tắt.
"Ngay khi đó không có bóng dáng người nào - tức lực lượng chữa cháy tại chỗ. Nó đau ở chỗ, nếu có người trực (bảo vệ) phát hiện thì một bình chữa cháy nhỏ cũng có thể ngăn thảm họa này", ông Thông nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thông, khi cảnh sát khám nghiệm hiện trường, tất cả các cửa thoát hiểm đều mở. Cửa này dùng trục sẽ tự động đóng lại, nhưng nếu đẩy quá 90 độ sẽ mở toang. Ngoài ra, hệ thống báo cháy âm thanh, hệ thống chữa cháy phun nước tại chỗ, máy bơm nước lên trên... đều không hoạt động. Thậm chí, cũng không có ai báo cháy bằng biện pháp thủ công.
"Chung cư có bộ phận bảo vệ và có các ca trực an ninh. Tất cả các camera đều đưa về màn hình và theo quy định phải có người trực. Bởi vậy, chỉ cần người trực phát hiện đám cháy là có thể ngăn được thảm hoạ, nhưng cũng không có ai trực", ông Thông nói.
Cơ quan điều tra xác định, Công ty Hùng Thanh là chủ đầu tư và ký dịch vụ với Công ty địa ốc Sài Gòn để lập ban quản trị chung cư. Công ty này lại ký hai hợp đồng với Công ty Gia Khang để giữ xe và bảo vệ.
"Chúng tôi có hướng làm việc với ông Nguyễn Văn Tùng (Giám đốc Công ty Hùng Thanh) nhưng ông này đã nằm Bệnh viện Triều An từ hôm 25/3. Gửi giấy triệu tập ông ta không lên, từ chối làm việc do lý do sức khoẻ... Tuy nhiên, tôi chắc chắn vụ án này phải có bị can", đại tá Thông khẳng định.
Kết thúc cuộc họp, Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, sức nóng của vụ cháy rất lớn, có thể làm hệ thống bêtông, nhựa âm tường... ảnh hưởng nên các cơ quan chức năng sẽ kiểm định, đánh giá bên trong bên ngoài Carina rồi từ đó mới đưa ra phương án xử lý.
"Thành phố xác định rất rõ, phải sớm ổn định đời sống của người dân, nhưng phải làm nghiêm túc chứ không phải cho chủ đầu tư tự sửa chữa rồi giao nhà được. Thời gian có thể kéo dài hơn 30 ngày, nhưng tinh thần phải khẩn trương. Các cơ quan địa phương, chủ đầu tư phải có phương án giải quyết cho người dân tạm trú", ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, thành phố cũng thống nhất các kiến nghị của cư dân Carina và yêu cầu chủ đầu tư phải thay ngay toàn bộ hệ thống chữa cháy, hệ thống thang máy đã có quá nhiều trục trặc; bồi thường thiệt hại về người, tài sản; tổ chức hội nghị bầu Ban quản trị; hỗ trợ cho các cháu bé mất cha mẹ cho tới 18 tuổi... "Đây là đòi hỏi chính đáng của người dân và chủ đầu tư phải làm", ông Hoan khẳng định.
Lãnh đạo thành phố cũng giao Sở Xây dựng thẩm định và sớm công bố kết quả chất lượng tòa nhà; Cảnh sát PCCC và Sở Xây dựng tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình thi công, thay hệ thống PCCC, hệ thống điện đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cư dân.
Nói thêm về việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy ở các chung cư và nhà cao tầng, ông Hoan cho biết, lần này thành phố sẽ tổng rà soát tất cả các công trình, đưa ra các tiêu chí đánh giá như thế nào là chung cư, cao ốc đảm bảo an toàn. Sau đó sẽ công khai các chung cư kém an toàn để các chủ đầu tư phải có ý thức hơn.
Chung cư Carina Plaza nằm trên khu đất rộng hơn 19.000 m2 ở đường Võ Văn Kiệt. Toà nhà gồm ba blocks cao từ 14 đến 20 tầng, có khu thương mại, giải trí... và hơn 700 căn hộ.
Hỏa hoạn xảy ra tại tầng hầm rạng sáng 23/3 đã làm 13 người chết, hơn 90 người nhập viện, 17 ôtô và hơn 340 xe máy bị thiêu rụi. Hậu quả vụ cháy nặng nề nhất trong hơn chục năm qua tại TP HCM, chỉ sau thảm họa ITC làm 60 người chết.
Ban Thời sự
Xem diễn biến chính