Tại cuộc họp báo chiều 10/11, Công an Hà Nội xác định khoảng 15h30 ngày 3/11, luật sư Trần Thu Nam, Lê Văn Luân khi vừa rời nhà bà Đỗ Thị Mai (mẹ của bị can Đỗ Đăng Dư - người bị đánh chết trong trại tạm giam) bất ngờ bị một nhóm người chặn xe, hành hung. Ông Nam bị chấn thương, bầm tím vùng mặt; ông Luân bầm tím mắt trái.
Ba ngày sau, cơ quan điều tra đã làm rõ 8 người tham gia đánh hai luật sư gồm: Đặng Quang Huy (26 tuổi), Nguyễn Duy Ninh (31 tuổi), Lưu Công Thắng (34 tuổi), Đỗ Xuân Nguyên (37 tuổi), Cao Văn Huân (20 tuổi), Nguyễn Duy Mạnh (21 tuổi), Hoàng Đình Dần (29 tuổi) và Nguyễn Gia Tú (38 tuổi). Trong số này có 7 người làm nông nghiệp tại xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ), riêng Tú là nhân viên tín dụng xã.
Khai tại cơ quan điều tra, 8 người cho hay ngày 3/11 dọc đường cùng đi thăm người ốm đã bị một ôtô 4 chỗ phóng nhanh làm bắn bụi bẩn lên người. Huân chặn đầu ôtô để Nguyên mở cửa xe kéo ông Luân xuống. Đám đông tấn công luật sư Luân khiến ông này hoảng sợ bỏ chạy. Nguyên cố đuổi theo đến cùng, đạp ngã ông Luân ngã xuống ruộng... Thấy ông Nam bị thương, Huy đã dìu lên ôtô trước khi bỏ đi cùng cả nhóm.
Trao đổi với VnExpress, luật sư Luân cho hay nhận ra trong những người hành hung mình có một công an xã Đông Phương Yên. Tuy nhiên, Công an Hà Nội phủ nhận, cho hay trước thời điểm xảy ra vụ hành hung có công an viên 33 tuổi đi qua hiện trường nhưng người này không liên quan.
Cơ quan điều tra xác định "đây là vụ việc đột xuất, không có bàn bạc phân công, nên không có chủ mưu". Hiện cùng với việc tiếp tục điều tra, nhà chức trách đang chờ kết quả trưng cầu giám định thương tích để có căn cứ khởi tố vụ án.
Về chiếc điện thoại bị mất trong lúc hỗn loạn, Công an Hà Nội cho rằng chưa có căn cứ xác định tài sản này của các luật sư đã bị cướp. Hiện điện thoại vẫn chưa được tìm thấy.
Hai luật sư Luân (trái) và Nam sau khi bị hành hung. |
Cũng trong hôm nay, liên quan vụ án Đỗ Đăng Dư bị đánh chết, Công an Hà Nội phủ nhận thông tin cơ quan điều tra gây khó khăn khi cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư bảo vệ quyền lợi của gia đình nghi can này. Theo đó, ngày 20/10, theo đề nghị của mẹ Dư, nhà chức trách đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư Nguyễn Hồng Thái.
Trong quá trình điều tra vụ án trên, cảnh sát nhận được nhiều đơn đứng tên bà Mai kèm theo văn bản của các văn phòng luật sư đề nghị cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án Đỗ Đăng Dư. Cơ quan điều tra nhiều lần mời bà đến làm việc về vấn đề này nhưng chưa nhận được hồi âm cụ thể.
Công an Hà Nội đã từ chối cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền lợi cho đương sự với 4 luật sư trong đó có ông Nam, Luân.
Việt Dũng