Sáng 10/7, thành phố Hà Nội tổ chức giao ban trực tuyến với các quận, huyện về một số lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó có công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Nhiều đại biểu cho rằng, dù thành phố có nhiều nỗ lực nhưng số vụ cháy nổ vẫn cao, còn tâm lý chủ quan và nguy cơ xảy ra thảm hoạ khi cháy lớn là hiện hữu.
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội nói, các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, khi sự cố cháy xảy ra ở địa bàn trọng điểm, nếu không triển khai lực lượng tại chỗ thì lực lượng chuyên nghiệp không đủ sức để chữa cháy.
Dẫn chứng vụ cháy gây hậu quả thương tâm tại Karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy (tháng 11/2016), ông Khương cho hay “biết có người còn sống nhưng không làm gì được vì lửa cháy rất lớn, trang thiết bị bảo hộ hạn chế".
"Cảnh sát cứu hỏa được trang bị áo chống nóng nhưng rất nặng. Áo mua toàn cỡ của người nước ngoài nên mặc vào lùng thùng, trong khi đó, cầu thang lên rất nhỏ nên khó di chuyển, áo chống nóng mà nóng không thể chấp nhận được”, ông Khương nêu.
Cũng đề cập đến vụ cháy ở 68 Trần Thái Tông, Trưởng ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội) Nguyễn Hoài Nam nhận định, sau khi xảy ra sự việc thì "chúng ta ngồi kiểm điểm với nhau chỉ ra phải thế này, thế kia, nhưng một thời gian im ắng lại đâu vào đấy; các cơ sở karaoke vẫn bật đèn sáng choang, các biển quảng cáo vẫn che hết mặt tiền...".
Ông Nam cho rằng, nhiều cơ sở kinh doanh chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà không đầu tư phương tiện, trang thiết bị để đảm bảo an toàn khi có tình huống cháy nổ xảy ra. "Cứ xảy ra cháy nổ thì lúc nào cũng cháy hết 100%, thậm chí gây ra chết người", ông nói.
Cũng theo ông Nam, kỹ năng, nghiệp vụ chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng chưa tốt nên khi xảy ra cháy thì "chủ yếu chống cháy lan".
Trước thực tế trên địa bàn có nhiều tòa nhà chưa đáp ứng yêu cầu về PCCC, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương đề nghị thành phố không cho phép đưa vào hoạt động, đồng thời cắt điện, cắt nước.
“Chúng ta không có giải pháp cứng rắn, không có thái độ dứt khoát thì thảm họa về cháy nổ đối với TP Hà Nội là nhãn tiền", tướng Khương nhấn mạnh.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, giải pháp cắt điện nước với các toà nhà đã cho dân vào ở khó khả thi vì đó là những nhu cầu thiết yếu của người dân. Ông Hải yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục, trong đó có PCCC trước khi cho phép công trình hoạt động, cho dân vào ở.
"Nguy cơ cháy nổ rình rập chúng ta hàng giờ, hàng giây. Chúng ta ngồi họp đây nhưng có thể cháy nổ xảy ra ở chỗ nào đó", Bí thư Hà Nội nói và yêu cầu phân rõ trách nhiệm từng cấp trong thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến PCCC.
400 vụ cháy, thiệt hại trên 260 tỷ đồng Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm xảy ra 411 vụ cháy (2 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy nghiêm trọng, 6 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 55 vụ cháy trung bình…) làm 4 người chết, 9 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 263 tỷ đồng và 1,8 ha rừng... Tướng Định cho biết, cảnh sát PCCC sẽ tiếp tục kiểm tra, tổng rà soát hơn 1.100 cơ sở, công trình nhà cao tầng và siêu cao tầng, trong đó có 426 công trình vi phạm PCCC. |
Võ Hải