Chiều 7/9, trao đổi với VnExpress, Đại tá Đỗ Đình Hào, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, đơn vị đang giao một tổ công tác thu thập tài liệu, làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng tại trạm thu phí quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh này.
"Bộ Công an đã có chỉ đạo phải làm quyết liệt. Chúng tôi đã làm việc với những người liên quan để xem ai là người đứng đầu, gây rối, kích động ở trạm thu phí", ông nói.
Đại tá Hào cho rằng trường hợp gây rối trật tự công cộng, làm ùn tắc giao thông từ hai tiếng trở lên đã cấu thành tội phạm hình sự, còn trường hợp như ở trạm thu phí quốc lộ 5 là "nghiêm trọng, ảnh hưởng an toàn giao thông".
"Cơ quan điều tra sẽ làm đầy đủ, thận trọng và thu thập chứng cứ khách quan để đưa ra quyết định khởi tố vụ án", ông Hào nhấn mạnh.
Nhận định về sự việc trên tại tọa đàm về phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT sáng 7/9, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng không nên nói tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành thì việc tiêu tiền lẻ là đúng. Ông Kiên viện dẫn Hiến pháp 2013 với quy định "cá nhân không được làm ảnh hưởng quyền công dân của người khác".
"Anh trả tiền lẻ nhằm thỏa mãn bực dọc phản ứng với nhà đầu tư, song anh kéo dài thời gian chờ đợi của người khác là gây phiền hà cho người khác, hoặc anh đi theo từng đoàn là hoạt động có tổ chức, là hành vi chống đối", ông nói.
Trước nhiều ý kiến cho rằng không thể lấy tiền của quốc lộ 5 bù cho chi phí đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội giải thích Nhà nước đang nợ nhà đầu tư 4.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc. Đó là tiền giải phóng mặt bằng mà đáng lẽ Nhà nước phải bỏ ra song do ngân sách không có nên phải để cho doanh nghiệp thu phí quốc lộ 5 bù đắp.
Liên quan đề nghị giảm mức phí BOT quốc lộ 5 của nhiều tài xế, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hưng Yên cho biết đang dự thảo kiến nghị gửi Bộ Giao thông giảm mức phí hiện tại và miễn phí cho người dân gần trạm.
"Bộ Giao thông sẽ xem xét đề xuất của các địa phương về điều chỉnh mức phí quốc lộ 5, tính đến cả phương án giảm phí trên tuyến này", Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Nhật, khẳng định.
Ngày 6/9, Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) - đơn vị quản lý hai trạm thu phí quốc lộ 5 đã gửi văn bản đề nghị Tổng cục An ninh và Công an các tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương điều tra các cá nhân, tập thể có hành vi gây rối tại trạm thu phí BOT số 1 trên quốc lộ 5 (huyện Văn Lâm - Hưng Yên) và có biện pháp ngăn chặn.
Theo Vidifi, hai ngày trước, khoảng 30 ôtô, trong đó có 15 xe của một doanh nghiệp ở Hải Dương đã sử dụng tiền lẻ mệnh giá 500 đồng để trả phí qua trạm thu số 1 chiều Hải Phòng - Hà Nội. Sau đó, các xe này lại quay đầu theo chiều Hà Nội - Hải Phòng, tiếp tục trả tiền lẻ gây ách tắc giao thông.
Đề cập vụ việc lái xe trả tiền lẻ tại trạm thu phí Cai Lậy, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, sự việc xảy ra một phần do sự phản ứng của chính quyền tỉnh và Trung ương không tốt. Việc một lãnh đạo địa phương của nhiệm kỳ sau nói không biết văn bản của nhiệm kỳ trước thể hiện sự không kết nối với nhiệm vụ của mình. "Quan điểm của tôi là Công an tỉnh Tiền Giang không hoàn thành nhiệm vụ. Một sự kiện an ninh trật tự do công an xử lý còn việc phân xử đúng sai là do cơ quan quản lý nhà nước chứ không được nói là không liên quan thì không xử lý", ông Kiên nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng, vị trí đặt trạm thu phí Cai Lậy so với vị trí cũ 600m là vẫn nằm trên quốc lộ 1. |