Ngày 25/8, Thiếu tướng Trần Ngọc Khánh, giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã vào cuộc điều tra vụ 3 trẻ tử vong sau khi được mổ hàm ếch từ thiện. Cảnh sát niêm phong toàn bộ phòng mổ nơi đoàn của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA) làm việc, dụng cụ và thuốc men dùng cho các ca mổ để phục vụ công tác điều tra.
"Công an tỉnh cũng kiểm tra giấy phép hành nghề của những bác sĩ tham gia phẫu thuật, đồng thời vận động các gia đình có con tử vong đồng ý cho mổ tử thi để tìm nguyên nhân", Tướng Khánh nói.
Liên quan đến việc 3 trẻ hở hàm ếch ở Khánh Hòa đã lần lượt qua đời sau khi được gây mê để phẫu thuật miễn phí, giám đốc Trung tâm Nụ Cười Đặng Thị Thu Hoài cho biết, trong đợt phẫu thuật này có 5 bác sĩ phụ trách chuyên môn, còn lại là những tình nguyện viên đi theo để phụ giúp các công việc khác.
Ngày 23/8, trong ê kíp phẫu thuật có hai bác sĩ chuyên ngành gây mê là Phí Thị Hồng Lê (thuộc một bệnh viện về Răng Hàm Mặt tại TP HCM) và Nguyễn Thị Thanh Bình, trước đây làm cho bệnh viện Ung bướu Hà Nội (đã nghỉ hưu 5 năm). Các bác sĩ này đều có bằng cấp chuyên môn lâu năm và có nhiều kinh ngiệm trong phẫu thuật. Trong ba cháu bị sự cố thì cháu Pi Năng Tuấn Hữu (1 tuổi) và cháu Nguyễn Ngọc Tuyết Vân (2 tuổi) được bác sĩ Bình gây mê, còn cháu Nguyễn Quang Minh (2 tuổi) được bác sĩ Lê gây mê.
"Chúng tôi đã làm rất kỹ các quy trình", bà Hoài khẳng định khi được hỏi liệu có sai sót gì trong quy trình gây mê, phẫu thuật dẫn đến hậu quả đáng tiếc này.
Theo bà Hoài, đầu tiên trung tâm khám sàng lọc 89 cháu, sau đó chọn được 68 cháu. Xét nghiệm máu để sàng lọc lần cuối, trung tâm chọn được 56 cháu đủ điều kiện để phẫu thuật. "Những cháu này sẽ được các bác sĩ của đoàn tiến hành phẫu thuật trong hai ngày 23-24/8, nhưng sau khi có 3 cháu bị sự cố chúng tôi đã ngưng việc phẫu thuật lại. Nguyên nhân tử vong của các cháu nghi là do bị sốc thuốc", bà Hoài nói.
Trao đổi với VnExpress, thạc sĩ, bác sĩ Lê Tấn Phùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế Khánh Hòa - cho biết đoàn mổ từ thiện của Trung tâm Nụ Cười trước khi đến Khánh Hòa đã có văn bản xin phép Sở Y tế Khánh Hòa và đã được cấp phép. Các bác sĩ của trung tâm đều có giấy phép hành nghề.
“Việc xảy ra một lúc 3 cháu cùng bị tai biến, cùng một triệu chứng là có dấu hiệu bất thường", ông Phùng nói. Sau sự việc, Sở chỉ đạo các bệnh viện huy động mọi thiết bị kỹ thuật cứu chữa cho các cháu, yêu cầu ngừng toàn bộ việc phẫu thuật cho các cháu còn lại, đồng thời tổ chức đoàn kiểm tra đối với Bệnh viện Quân y 87 và nhóm bác sĩ của Trung tâm Nụ Cười. Hiện Sở Y tế đã giao cho bệnh viện Quân y 87 phối hợp Trung tâm Nụ Cười có văn bản báo cáo chính thức vào sáng 26/8.
Sở Y tế Khánh Hòa đã giao cho Trung tâm Nụ Cười có trách nhiệm chăm sóc cho 8 bé còn lại để theo dõi. Phía Trung tâm Nụ Cười không bỏ trốn hay chối bỏ trách nhiệm, họ rất tích cực hợp tác khi sự việc xảy ra. "Về nguyên nhân tử vong, liều lượng thuốc gây mê, gây tê, quy trình gây mê như thế nào cũng phải chờ báo cáo chính thức mới biết được. Khi các bên có văn bản kết luận sơ bộ, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia để có kết luận chính thức về vụ việc”, bác sĩ Phùng nói.
Chị Nguyễn Ngọc Tuyết Sương, mẹ của cháu Tuyết Vân, cho biết 5 tháng trước gia đình đã đưa cháu vào bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM để mổ tái tạo môi. Ca phẫu thuật này thành công và cháu bình phục nhanh. “Trước khi có chương trình từ thiện, sức khỏe cháu rất tốt và không có biểu hiện gì khác thường. Bản thân cháu từ khi sinh ra cũng chưa có triệu chứng dị ứng với bất cứ loại thuốc nào. Chúng tôi mong muốn biết vì sao con tôi tử vong”, chị Sương giọng buồn bã.
Nguyễn Ngọc Anh Kiệt, cậu ruột cháu Vân, cho hay mặc dù không có ý định khiếu nại hay kiện tụng, nhưng gia đình cũng phải được biết vì sao cháu ra đi đột ngột như vậy. “Nếu là một cháu tử vong thì còn có thể đổ lỗi do cơ địa hoặc sức khỏe. Ở đây có tới 3 cháu cùng bị một lúc thì không thể chấp nhận được. Cần phải làm rõ nguyên nhân để sự việc đáng tiếc không xảy ra với những cháu khác”, anh Kiệt nói.
Lan Hương