Tại diễn đàn "Hành lang pháp lý cho thị trường condotel" ngày 14/12, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, căn hộ khách sạn (condotel) là loại hình đã phát triển khá lâu trên thế giới.
Về tỷ lệ cam kết lợi nhuận, theo bà Hằng, phân tích một số mô hình vận hành kinh doanh ở một địa điểm đẹp, chủ đầu tư đủ năng lực, bản thân nhà điều hành có uy tín thì mức độ cam kết 6-10% là có thể đạt được. Bà Hằng nhấn mạnh, con số này dựa trên kinh nghiệm Savills từng thử nghiệm.
Bà Trần Thị Mỹ Lộc, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Vinhomes cho rằng, lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh khách sạn chỉ ở mức 5-6%. Bởi đối với các dự án phải thuê đơn vị quản lý thì chi phí phải chi trả cũng tiêu tốn 3-4%. Theo đó, bà cho rằng nếu doanh nghiệp nào đó chào bán sản phẩm condotel phải thuê đơn vị vận hành mà cam kết lợi nhuận lên đến trên 10% là có vấn đề.
Còn đối với những đơn vị có tiềm lực, có khả năng tự quản lý, vận hành khách sạn tốt thì mức cam kết 10% một năm là hợp lý.
Dẫn chứng hoạt động kinh doanh của Vinpearl - đơn vị vận hành các condotel của Vingroup, bà Lộc cho biết, đơn vị này hiện có gần 3.000 căn hộ condotel đã bán và đang vận hành. Mỗi năm, đơn vị này chi trả các chủ sở hữu đầy đủ khoản cam kết lợi nhuận khoảng 900 tỷ đồng. Hiện dự án lâu nhất đã trả cam kết được 3,5 năm, tương đương tổng mức trả của Vinpearl đến nay là 3.000 tỷ đồng. Các dự án của đơn vị này hầu hết cam kết trong 3-5 năm, sau đó chủ đầu tư và chủ sở hữu sẽ phân chia lợi nhuận.
Ông Trương Xuân Quý, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Flamingo, đơn vị đang triển khai và đưa vào vận hành một số dự án nghỉ dưỡng tại miền Bắc cho biết, xu thế cam kết 4-6% của các dự án trên thế giới là tương đương với lãi suất ngân hàng tại nước sở tại. Tại Việt Nam cũng không ngoại lệ và điều này cũng đảm bảo sự an toàn cho khoản đầu tư của khách hàng.
Tuy nhiên, theo ông, sau vài năm đưa vào vận hành, chủ đầu tư vận hành tốt thì mức lợi nhuận này còn có thể cao hơn nữa. Vì vậy, ông cho rằng tùy thuộc vào năng lực và uy tín cũng như cách thức chủ đầu tư vận hành để đưa ra các con số cam kết lợi nhuận hợp lý cho sản phẩm của doanh nghiệp đó.
"Nếu các dự án thuê vận hành là các công ty nước ngoài thì mức hợp lý ở 4-6%. Còn nếu chủ đầu tư tự vận hành thì có thể đạt được mức 8-10% trong các năm đầu", ông Quý nói.
Nhìn lại sự phát triển của condotel tại Việt Nam trong thời gian qua, ông Quý thừa nhận con số cam kết lợi nhuận của condotel từng là cuộc đua của các chủ đầu tư. Do đó, điều quan trọng là nhà đầu tư lựa chọn được các chủ đầu tư có uy tín bởi tại nhiều quần thể condotel đôi khi chỉ có 100 căn condotel nhưng lại được đặt ở nơi có quần thể tiện ích hiện đại, vị trí đắc địa, tỷ lệ lấp đầy cao... thì mới đảm bảo được mức cam kết lợi nhuận cao.
Liên quan đến việc dự án Cocobay Đà Nẵng vỡ trận cam kết lợi nhuận, ông Quý cho rằng đây chỉ là một doanh nghiệp trong hàng trăm chủ đầu tư phát triển, vận hành condotel. Và theo ông, sự việc vừa qua chỉ là sự đào thải của thị trường. Đồng tình với quan điểm này, bà Lộc cho rằng, câu chuyện đổ vỡ cam kết lợi nhuận của Cocobay không mang tính đại diện cho thị trường, mà chỉ là trường hợp cá biệt.
Tuy nhiên, bà cho rằng hiện vẫn còn đâu đó khách hàng chỉ chạy theo con số cam kết hơn là các giá trị khác mà không hiểu rõ về mặt bản chất và đặt niềm tin khá dễ dàng. "Thực tế trong các buổi chia sẻ, các chủ đầu tư có uy tín và năng lực đều nói rõ việc sẽ làm gì theo lộ trình để thực hiện cam kết, đồng thời từng bước minh bạch điều này", bà Lộc nói.
Ông Nguyễn Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đông Tây Land cho rằng, sau sự việc condotel, thị trường từ giai đoạn phát triển theo chiều rộng sẽ đi vào chiều sâu. Khách hàng khi chọn mua condotel sẽ đánh giá lại tiềm năng của từng sản phẩm, năng lực và khả năng vận hành của từng chủ đầu tư. Các chủ đầu tư cũng thông qua việc này xem lại các cam kết, việc thực hiện, dịch vụ tiện ích có đảm bảo cho nhà đầu tư tin tưởng hay không.
Nguyễn Hà