Đêm nhạc bắt đầu với giai điệu Những mùa đông yêu dấu qua tiếng hát Tấn Minh. Trong không gian những ngày chuyển mùa, người nghe lặng chìm vào suy tư về những "tình yêu chớm nở", những "mộng mơ đón chờ" qua "biết bao ô cửa kính mờ".
Trước khi tổ chức show diễn ở Hà Nội, Đỗ Bảo và êkíp đã mang chương trình đến TP HCM, mà theo như nhạc sĩ nói để "trả món nợ" cho nơi đã ươm mầm đam mê sáng tác trong giai đoạn đầu sự nghiệp. Với Hà Nội, anh gọi đêm diễn là chuyến "trở về nhà". Nhạc sĩ dành nhiều thời gian trò chuyện với khán giả trực tiếp trên sân khấu và qua những video được ghi hình sẵn. Anh nói về tình yêu, âm nhạc, những suy tư trong đời. Nhiều khoảnh khắc, nhạc sĩ rưng rưng cảm ơn khán giả đã cùng anh bước vào cõi âm nhạc "một mình bao la". Liveshow với anh là bức thư tổng kết chặng đường 30 năm sáng tác, cũng là dịp để nhạc sĩ gợi nhớ nhiều mối duyên, những kỷ niệm đã qua trong đời.
Cách nói chuyện của Đỗ Bảo mộc mạc nhưng có phần trừu tượng, giống như cách anh viết ca khúc. Anh cũng khá "tham lam" khi biên tập nhạc mục với 35 ca khúc, khiến chương trình kéo dài trong bốn tiếng, đến tận 0h30. Nhưng có lẽ đó là cái tham của một người có nhiều điều muốn nói, muốn kể, và khán giả của Đỗ Bảo chấp nhận điều đó khi phần lớn ngồi tới hết chương trình.
Các bài hát đều hướng về tình yêu nhưng cách Đỗ Bảo thể hiện chủ đề này lại "bao la" như chính tên concert. Anh gửi gắm trong mỗi sáng tác nhiều suy tư về quy luật cuộc sống, triết lý nhân sinh. Điều này đôi khi gây khó khăn cho các ca sĩ hát. Khi nhận ca khúc mới Tôi khóc biển xưa, Thanh Lam nói từng nghĩ hình ảnh "những vì sao rơi", "đàn cá qua đời" ám chỉ chuyện môi trường. Nhưng Đỗ Bảo lại lý giải đó là ẩn dụ cho một tình yêu tan vỡ. Hoặc Hà Trần cũng thừa nhận bất lực khi giải mã Cầu vồng đêm mưa.
Trong âm nhạc Đỗ Bảo, nỗi buồn và niềm vui hòa quyện. Điều đọng lại cuối cùng luôn là khát khao yêu đời, yêu người: "Giờ đã là lúc mà thời gian để yêu. Giờ là lúc sống giấc mơ đời mình" (Thời gian để yêu).
Chương trình cơ bản có nội dung giống concert ở Sài Gòn, có thêm sự xuất hiện của Tùng Dương, Hoàng Dũng. Những bài hát đã làm nên tên tuổi nhạc sĩ như Bức thư tình đầu tiên (Tấn Minh), Bức thư tình thứ hai (Hồ Quỳnh Hương), Cầu vồng đêm mưa (Hà Trần), được giữ bản phối cũ, đưa khán giả về hồi ức cũ của những album như Cánh cung, Chuyện của mặt trời - Chuyện của chúng ta.
Các ca sĩ xuất hiện trong đêm nhạc đều gắn bó với Đỗ Bảo suốt nhiều năm, hoặc biết đến âm nhạc của anh trước khi vào nghề. Họ vì thế thoải mái tương tác với nhạc sĩ, cùng anh vui đùa trong cuộc chơi âm nhạc. Hà Trần - "nàng thơ" của Đỗ Bảo - được khán giả cổ vũ với Đôi giày lười, Cầu vồng đêm mưa. Hát Đôi giày lười, ca sĩ thể hiện nét sôi động, vui nhộn và nỗi buồn thấp thoáng của cô gái lười yêu sau cuộc tình tan vỡ.
Hồ Quỳnh Hương là điểm nhấn thú vị của chương trình, khi vừa hát vừa khuấy động không khí ở phần cuối. Với Bức thư tình thứ hai, cô xuống từng hàng ghế khán giả, đưa micro mời nhiều người song ca. Cách Hồ Quỳnh Hương nhún nhảy, tương tác với khán giả, gợi nhớ hình ảnh ca sĩ những năm 20 tuổi, vừa nữ tính vừa máu lửa trong album đầu tay - Vào đời, cũng do nhạc sĩ Đỗ Bảo thực hiện.
Những ô màu khối lập phương là phần biểu diễn hay, đúng chất "quái" của Tùng Dương, dù hơi chệch ra khỏi mạch cảm xúc của chương trình. Bù lại, nó góp phần thể hiện phong cách đa dạng của nhạc sĩ. Đỗ Bảo cũng đưa vào chương trình một số ca khúc mới khác, với cách phối khá phức tạp. Tuy nhiên, khán giả vỗ tay hưởng ứng nhiệt tình, cho thấy những người muốn khám phá cõi "một mình" của anh đều sẵn lòng lắng nghe những thử nghiệm mới.
Một số ca khúc như Bài ca tháng sáu, Điều ngọt ngào nhất, Điều hoang đường nhất, Bức thư tình thứ ba, vốn gắn với tên tuổi Hà Trần, Tấn Minh, được giao cho ca sĩ khác như Uyên Linh, Hoàng Dũng, Trung Quân Idol. Các màn trình diễn được khán giả đón nhận nhưng nhiều người yêu nhạc Đỗ Bảo và đến liveshow cho biết họ chờ mong được nghe "bản gốc" hơn.
Lân Nhã là nhân tố bất ngờ trong đêm nhạc. Trình diễn ca khúc Thủy chung, anh thể hiện sự day dứt, cảm xúc mãnh liệt hơn so với bản của ca sĩ Lê Hiếu.
Chương trình ghi điểm ở phần âm thanh, ánh sáng, với sự hỗ trợ của dàn nhạc giao hưởng, dàn bè. Một số nhạc công như guitarist Việt Dũng, tay trống Sò Duy Anh, Minh Vương, có một số quãng phiêu đã tai. Màn hình LED thiết kế to, với hình ảnh phù hợp từng ca khúc.
Khán giả Bảo Anh (33 tuổi, Hà Nội), xem concert ở cả TP HCM và Hà Nội. Cô cho biết: "Chương trình dài nhưng không tạo cảm giác nhàm chán, bởi các ca khúc được sắp xếp hợp lý. Là người yêu nhạc Đỗ bảo hơn 10 năm, tôi hạnh phúc vì được đắm chìm trong không gian âm nhạc của anh".
Hà Thu