Năm 2025 là thời điểm khóa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (còn gọi là chương trình 2018) thi tốt nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ về những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025, trong đó có việc đưa Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc.
- Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa Lịch sử thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc?
- Trước khi quyết định đưa môn Lịch sử là một trong bốn môn thi bắt buộc trong Dự thảo, Bộ đã cân nhắc rất kỹ và xin ý kiến đa chiều. Đây cũng là nhiệm vụ triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội khóa XV, yêu cầu "thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh".
Bộ nhận được khá nhiều ý kiến đồng thuận, đặc biệt từ các thầy cô giáo giảng dạy và học sinh. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến khác nhau, nhất là ủng hộ việc thi môn Lịch sử nhưng cần thay đổi nhiều hơn cách ra đề cho môn học này. Những ý kiến góp ý đó, Bộ sẽ lắng nghe, tổng hợp và phân tích đa chiều.
- Ngoài ra, trong phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang được lấy ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến những điểm gì mới?
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 xin ý kiến dư luận xã hội với tinh thần tôn trọng và cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý, có phân tích, đánh giá nhiều chiều.
Để xây dựng dự thảo này, Bộ đã có nhiều cuộc họp với chuyên gia, xin ý kiến các Sở Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô giáo cấp trung học phổ thông. Kỳ thi từ 2025 dự kiến có ba điểm mới.
Thứ nhất, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực, phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Thứ hai, Bộ muốn nhấn mạnh đến việc định hướng nghề nghiệp qua các môn thi tự chọn mà các em học ở trường, điều này giúp sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích cho các em.
Thứ ba, từ năm 2025-2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi trên máy tính.
Chúng tôi kỳ vọng phương án này vừa đáp ứng được yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng dạy và học; vừa đủ độ tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển.
- Đề thi tốt nghiệp từ 2025 sẽ có độ phân hóa thế nào so với hiện tại để các trường đại học dựa vào để tuyển sinh?
- Đề thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực, có sự phân hóa phù hợp để bảo đảm vừa để xét công nhận tốt nghiệp và kết hợp đạt nhiều mục tiêu khác nhau.
Trước mỗi kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh định hướng ôn tập. Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng vậy.
- Một số ý kiến cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT nên nhẹ nhàng hơn nữa, cụ thể, nên trao quyền cho các Sở Giáo dục và Đào tạo từ việc tổ chức thi đến ra đề thi. Quan điểm của Bộ ra sao?
- Hiện nay, Bộ đã phân cấp khá mạnh và rõ cho địa phương trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các địa phương, cụ thể là UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chính về tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế, xây dựng đề thi và thanh tra, kiểm tra, giám sát. Những kỳ thi gần đây, đặc biệt là từ năm 2020 đến nay, mô hình này ghi nhận nhiều ưu điểm.
Hiện có sự khác nhau giữa các tỉnh, thành, từ năng lực ra đề đến việc tổ chức đánh giá. Xây dựng đề thi để bảo đảm được tính đồng đều về chất lượng, phổ quát và tương đồng giữa các địa phương là việc cần làm thận trọng và có lộ trình.
Bộ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện quy định, quy chế và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra ở cả cấp Bộ và cấp địa phương để kết quả kỳ thi được an toàn, khách quan, minh bạch nhất.
- Đặt ra lộ trình từ năm 2025 sẽ từng bước tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính, Bộ đã chuẩn bị thế nào để thực hiện?
- Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để từng bước tổ chức kỳ thi trên máy tính là phù hợp với xu hướng quốc tế, phù hợp với bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số của quốc gia, trong đó có ngành giáo dục. Đây là vấn đề Bộ đã bàn thảo nhiều, xin ý kiến các chuyên gia và xây dựng theo lộ trình phù hợp, chắc chắn.
Từ 2025 đến 2027, kỳ thi vẫn được tổ chức trên giấy nhưng Bộ sẽ thử nghiệm thi trên máy tính tại một số địa phương đủ điều kiện. Sau khi thử nghiệm đồng bộ, có đánh giá tác động và căn cứ điều kiện đáp ứng của mỗi địa phương, Bộ mới tính toán triển khai đồng loạt.
Vì vậy, nhà trường và học sinh yên tâm học và ôn tập để tham gia các kỳ thi đạt kết quả cao nhất, mọi chủ trương đều có các bước đi chắc chắn, không gây xáo trộn.
Bình Minh thực hiện