Ngày 16/8, bác sĩ Nguyễn Thanh Tuấn, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết khám ghi nhận dị vật sống động đậy, nằm ở cửa mũi bên phải. Bác sĩ cấp cứu cố gắng gắp nhưng dị vật chui vào hốc mũi, bé không hợp tác nên phải chuyển vào phòng mổ để gây mê, nội soi.
Ê kíp gắp thành công dị vật sống là con vắt, kích thước dài 4 cm nằm trong hốc mũi bên phải. Gia đình cho biết bé lội suối tắm khi từ TP HCM về quê Thái Nguyên nghỉ hè. Bé chảy máu mũi, điều trị 10 ngày không khỏi, song cả nhà "không nghĩ có con vắt nằm bên trong".

Con vắt dài khoảng 4 cm được bác sĩ gắp ra khỏi hốc mũi bé trai. Ảnh: Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết dị vật sống rất nguy hiểm khi tiếp xúc với niêm mạc, gây ra các biến chứng lâu dài như viêm nhiễm, mất máu... Do đó, việc phát hiện sớm để loại bỏ dị vật sống nhanh chóng rất quan trọng.
Bệnh viện tiếp nhận khá nhiều các ca dị vật mũi ở trẻ 2-5 tuổi như đồ chơi nhỏ, hạt thức ăn... song hiếm gặp dị vật là động vật sống. Con vắt thường sống ở nơi ẩm thấp, có thể hút máu rất nhiều. Chúng có giác bám vào lớp niêm mạc mũi, khi hút máu tạo ra chất không đông nên thường không gây đau, rát, khó phát hiện.
Khi cư trú trong mũi ở các ngách khe, vắt gây ra tình trạng chảy máu mũi, phù nề, xuất tiết, nghẹt mũi. Ở thanh quản gây ra tình trạng ho, khó thở thanh quản.Nếu dị vật bị bỏ quên lâu ngày trong hốc mũi sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu mũi kéo dài, thiếu máu mãn tính. Dị vật bám vào thanh quản dễ gây tình trạng tắc nghẽn đường thở, nguy hiểm đến sinh mạng.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đi khám ngay khi nghi ngờ có dị vật mũi như chảy máu mũi hoặc chảy mũi hôi một bên. Cẩn thận khi đi rừng, tắm sông suối, không rửa mặt hay uống nước ngoài tự nhiên chưa được đun nấu.
Lê Phương