Theo nhà sinh vật học Barrett Klein của trường Đại học Wisconsin–La Crosse, Mỹ, các loài côn trùng bao gồm cả gián, bọ ngựa, hay ruồi giấm đều cần những giấc ngủ. Giấc ngủ của ruồi giấm thậm chí còn giống giấc ngủ của động vật có vú, vì chúng cũng phản ứng với những chất hóa học gây buồn ngủ hay caffeine, tương tự như con người.
Tuy nhiên, xác định côn trùng ngủ không phải điều dễ dàng. Những dấu hiệu cho thấy chúng đang ngủ là trạng thái bất động, cơ thể rũ xuống theo chiều trọng lực và các cơ thả lỏng, hoặc thời gian phản ứng với những tiếng động lớn.
Nhà sinh vật học Katy Prudic của Đại học bang Oregon cho biết chúng ta có thể không biết liệu một con côn trùng có đang ngủ thực sự hay không. Vào ban đêm, các loài bướm không thể di chuyển khi nhiệt độ hạ thấp, trạng thái này giống như chúng đang ngủ, nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Giấc ngủ thật sự của chúng bắt đầu lúc chiều muộn, khi chúng treo mình ở những nơi khuất như sau chiếc lá, vỏ cây.
Tương tự việc thiếu ngủ là một vấn đề nghiêm trọng đối với con người, điều này cũng có ảnh hưởng nhất định đến côn trùng. Khi thiếu ngủ, những con bướm không thể bay khắp nơi, con cái sẽ đẻ trứng nhầm trên loại cây mà ấu trùng của chúng không ăn được. Các cuộc thử nghiệm ở ruồi giấm cho thấy loài này sẽ phải ngủ bù nếu thiếu ngủ.
Trong nghiên cứu năm 2010, Klein quan sát tình trạng thiếu ngủ ở ong mật, loài côn trùng truyền thông tin về nguồn thức ăn cũng như những khu vực làm tổ thích hợp cho đồng loại thông qua các cử chỉ. Sau một thời gian, những cử chỉ của ong thiếu ngủ không còn chi tiết hoặc không hữu ích cho đồng loại.
Trang Nguyễn (Theo National Geographic)