Được phát hiện tại Argentina, đó là mẫu vật to nhất trong các gia đình nhện. Mà nó không phải là duy nhất. Khắp nơi trên hành tinh, các nhà khoa học đã khám phá ra vô số sinh vật khổng lồ. Những con gián to như chuột, loài cuốn chiếu dài 1,8 mét, những con thiêu thân có thể nằm chật đĩa ăn của bạn, nhất là loài chuồn chuồn Meganeura với sải cánh 80 cm... Đó là những con côn trùng lớn nhất ở mọi thời đại.
Nhưng bạn đừng lo sẽ phải gặp những con quái vật đó, bởi chúng có mặt cách đây đã 300 triệu năm, ở thời kỳ mà chúng ta gọi là kỷ Carbon. Hãy hình dung nước Pháp vào thời kỳ ấy: nắng nhiều, ẩm ướt thường xuyên và từ Paris đến Toulouse là rừng rậm ngút ngàn với những dãy núi cao ngất ngưởng cùng một hệ thống đầm lầy, ao hồ bao la, chung quanh là rừng cây cao đến 30 mét.
Trong thiên đàng xanh bát ngát đó, nơi sinh sống của các loài lưỡng cư và bò sát đầu tiên, các giống côn trùng đạt kích thước đáng sợ. Nhưng 50 triệu năm sau đó, đến kỷ Permi, khí hậu địa cầu đã thay đổi. Mưa ngày càng hiếm hơn và hầu hết các khu vực đều trở thành hoang mạc. Gần 1/3 loài động và thực vật ở kỷ Carbon không chịu nổi sự thay đổi đó. Còn côn trùng và các giống không xương sống lại sinh sôi nảy nở ồ ạt, nhưng đồng thời cũng teo nhỏ đi.
Phải khăng đó là do khí hậu? Không hẳn. Bởi vì trong 250 triệu năm tiến hóa tiếp theo đó, khí hậu không ngừng thay đổi và mãi cho đến ngày nay, côn trùng chưa hề to lớn trở lại. Tại sao thế? Vào đầu thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết bởi vì bầu khí quyển hiện nay không đủ ôxy để côn trùng hô hấp tốt hơn. Thật vậy, bộ máy hô hấp của côn trùng không giống như của chúng ta: không khí không đi qua miệng hay mũi mà qua hàng chục lỗ nhỏ ở bụng và ức, rồi tiếp tục đi sâu vào cơ thể, đến từng tế bào qua mạng lưới ống li ti.
Vấn đề là để không khí lưu thông trong mạng ống đó, côn trùng không có hệ thống bơm giống như các cơ hô hấp làm căng phồng 2 lá phổi của chúng ta; côn trùng cũng không có phương tiện chuyển tải như máu của động vật có xương sống, đưa không khí đến các tế bào nhờ sức ép của tim. Ở côn trùng, oxi được phân phối một cách tự do, tựa như được hút từ môi trường đậm đặc (khí quyển) sang môi trường loãng (bên trong tế bào).
Với các loài côn trùng bé nhỏ hiện nay, hệ thống đó hoạt động rất tốt. Nhưng với tổ tiên to lớn của chúng, có mạng ống hô hấp dài hơn, các nhà khoa học cho rằng cơ chế hẳn phải phức tạp hơn. Thật vậy, sức hút tạo ra do sự chênh lệch áp suất oxy bên trong tế bào và môi trường bên ngoài phải rất mạnh để có thể đưa không khí đến đầu ống. Mà sức hút này tỷ lệ với nồng độ oxy trong không khí. Do vậy, người ta suy luận nếu các giống côn trùng khổng lồ không còn hiện hữu, có lẽ vì thành phần không khí hiện nay không còn thích hợp với chúng. Có thể ở kỷ Carbon, bầu khí quyển giàu oxy hơn.
Ý tưởng này đã được khẳng định bởi nhà cổ khí hậu học Robert Berner ở Đại học Yale. Khi phân tích thành phần hóa học của đất, ông định lượng được nồng độ oxy trong khí quyển vào kỷ Carbon là 35% (hiện nay chỉ là 21%) và giảm còn 15% vào kỷ Permi - thời kỳ mà côn trùng khổng lồ biến mất.
Phải chăng nồng độ oxy cao đã làm xuất hiện các giống côn trùng khổng lồ? Để kiểm chứng điều đó, nhà sinh lý học Robert Dudley ở Đại học Texas đã nuôi nhiều loài côn trùng khác nhau trong môi trường giàu oxy. Đa số không tăng thêm 1 g nào. Nhưng loài ruồi giấm lại lợi dụng được cơ hội này. Khi tăng dần nồng độ oxy trong không khí lên gần 35%, Robert Dudley đã làm tăng kích thước của ruồi giấm (2,5mm) lên 15% sau 5 thế hệ. Con số vài phần nhỏ của milimét có vẻ nhỏ nhoi, nhưng nên nhớ rằng một thế hệ ruồi giấm chỉ từ 3 đến 5 tuần lễ, nếu tính theo sự tiến hóa hàng triệu năm thì không hề nhỏ chút nào.
Như vậy, nồng độ oxy cao là nguyên nhân của kích thước quá khổ? "Nếu thế, tất cả mọi loài côn trùng ở thời kỳ đó đều phải to lớn. Nhưng thực tế không phải vậy. Từ lâu người ta cho rằng côn trùng khổng lồ là quy tắc chung ở kỷ Carbon, bởi vì người ta chỉ có các hóa thạch khổng lồ. Không phải vì chúng nhiều, mà bởi vì chúng dễ bị phát hiện hơn và cho đến đầu thế kỷ 20, những kẻ săn lùng hóa thạch để bán luôn thích chọn loại to để có giá hơn. Sau đó, những cuộc khai quật đã cho thấy kích thước to tướng là ngoại lệ, còn thì hầu hết côn trùng vẫn giống như ngày nay", chuyên gia Jean-Charles Massabuau ở Đại học Bordeaux giải thích.
Hơn nữa, nồng độ oxy cao không biến côn trùng nhỏ bé thành khổng lồ, mà nồng độ thấp cũng không làm phiền các giống to lớn. Một nhà cổ sinh học trong nhóm André Nel ở Bảo tàng Tự nhiên học Paris đã tìm thấy hóa thạch của loài chuồn chuồn Meganeura có sải cánh 80 cm cách đây 250 triệu năm, vào thời kỳ mà nồng độ oxy trong khí quyển rất thấp. "Vì thế cần gì phải quan tâm đến oxy!", André Nel nói.
Ông cũng giải thích thêm rằng "chúng ta biết rất ít về điều kiện sống vào thời kỳ đó nên mọi giả thuyết đều có thể. Sự xuất hiện tính trạng khổng lồ có thể đơn giản chỉ là kết quả của sự chạy đua giành sự sống giữa con mồi và kẻ thù. Có thể sự tiến hóa đã ưu tiên cho giống ăn cỏ vào một lúc nào đó và chúng trở nên to lớn hơn kẻ thù ăn thịt. Sau đó đến lượt những con ăn thịt thay đổi kích cỡ để lấn lướt côn trùng và cứ như thế. Khi khí hậu thay đổi, nhiều giống loài mới sinh sôi nảy nở. Chẳng hạn như loài bọ cánh cứng có thể cạnh tranh với chuồn chuồn để săn bắt những con mồi biết bay. Trong cuộc chạy đua đó, có thể loài Meganeura đã chỉnh lại kích thước đôi cánh vốn khó điều khiển, nhất là khi phải bay quanh quẹo để đuổi theo con mồi. Cuối cùng, vào thời đó, các loài bò sát trên đất liền, mà một số rất thích ăn côn trùng, đã phát triển. Và những giống côn trùng khó bị phát hiện tất nhiên là những con bé nhỏ. Từ đó chúng vẫn giữ nguyên kích thước dễ thương này".
Tuy nhiên dù nhỏ nhưng chúng vẫn sinh sôi tràn lan, chiếm lĩnh mọi ngóc ngách của hành tinh. Hai triệu, rồi 100 triệu loài. Hiện nay không ai biết chính xác số lượng của chúng bao nhiêu, nhưng rất có thể một ngày nào đó chúng sẽ là chúa tể của thế giới.
(Theo Science et Vie Junior)