"Con trai tôi Don Jr và các đại diện sẽ tới đó thăm một số khu vực và những thắng cảnh hùng vĩ nhất. Greenland là nơi tuyệt vời, và người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu, và khi, nơi này trở thành một phần của đất nước chúng ta. Chúng ta sẽ yêu thương và bảo vệ hòn đảo đó khỏi thế giới xấu xa bên ngoài. Hãy đưa Greenland vĩ đại trở lại", Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 6/1.
Ông Trump không đề cập thời gian cụ thể chuyến đi Greenland của con trai. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một quan chức ở Greenland nói Donald Jr. dự kiến thăm hòn đảo trong ngày 7/1.
Một nguồn tin khác cho biết con trai Tổng thống đắc cử Mỹ thăm hòn đảo trong một ngày để quay nội dung video cho chương trình podcast.
Bộ Ngoại giao Đan Mạch trước đó thông báo đã biết về chuyến thăm của Donald Jr.. "Đây không phải chuyến thăm chính thức của Mỹ nên Bộ Ngoại giao không bình luận thêm", cơ quan này cho hay.
Quan chức Greenland, Mininnguaq Kleist, nói rằng không có thông tin chi tiết nào về chuyến thăm của Donald Jr. được công bố và có vẻ đây là chuyến đi cá nhân. Con trai lớn của ông Trump cũng sẽ không gặp quan chức nào của Greenland.
Ông Trump cuối tháng trước tuyên bố Mỹ cần sở hữu Greenland, lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, "vì an ninh quốc gia và hòa bình thế giới". Ông Mute Egede, lãnh đạo Greenland, sau đó khẳng định hòn đảo không phải để bán.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump cũng từng đề cập vấn đề mua Greenland. Tuy nhiên, đề xuất đó rơi vào quên lãng khi lãnh đạo Greenland và Đan Mạch thẳng thừng từ chối bán hòn đảo, bất kể với mức giá nào.
Phát biểu mừng năm mới hồi tuần trước, ông Egede hối thúc nỗ lực giúp Greenland độc lập khỏi Đan Mạch, nói rằng hòn đảo phải thoát khỏi "xiềng xích của chủ nghĩa thực dân" và tự định hình tương lai của mình.
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, nằm gần lục địa Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, với dân số khoảng 57.000 người. Đảo có diện tích khoảng 2,16 triệu km2, rộng hơn Mexico và gấp hơn ba lần bang Texas của Mỹ.
Hòn đảo là thuộc địa của Vương quốc Na Uy từ năm 1261 và được chuyển giao cho Đan Mạch khi vương quốc này chia thành hai quốc gia Đan Mạch và Na Uy năm 1814. Năm 1953, Đan Mạch thông qua hiến pháp mới, biến Greenland thành vùng lãnh thổ tự trị và chịu kiểm soát phần nào từ Copenhagen về chính sách đối ngoại.
Theo giới quan sát, ngoài an ninh quốc gia, lý do ông Trump nhắm đến Greenland còn có thể vì trữ lượng tài nguyên, trong đó có dầu mỏ, đất hiếm, uranium, và vị trí chiến lược của hòn đảo trong hoạt động hàng hải.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)