TAND Hà Nội đang xét xử 12 người liên quan vụ án cho vay trái quy định, gây thất thoát hơn 1.600 tỷ đồng của BIDV. Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà (đã chết) được xác định đã chỉ đạo việc này. Con trai ông là Trần Duy Tùng có liên quan song đang bị truy nã.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, tập đoàn An Phú của Trần Duy Tùng nhờ Trần Quang Anh và Thái Thành Vinh đứng tên tham gia góp vốn. An Phú được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài để thành lập liên doanh Công ty SHH Viêng Chăn, vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Từ 2013 đến 2015, Tùng và Vinh đã nộp 10,4 triệu USD tiền mặt vào tài khoản của Vinh mở tại Ngân hàng liên doanh Lào - Việt (LaoVietBank).
Tùng sau đó dùng 10 triệu USD từ tài khoản của Vinh chuyển sang Công ty Outhid Houng Heang. Bên cạnh đó để qua mặt cơ quan chức năng, ngày 23/12/2015, Tập đoàn An Phú chuyển sang Lào 4 triệu USD.
Công ty Outhid Houng Heung đã thay mặt Công ty SHH Viêng Chăn chuyển 10 triệu USD góp vốn vào tài khoản của LaoVietBank để góp 10% vốn điều lệ. LaoVietBank xác nhận, Công ty SHH Viêng Chăn là một trong ba cổ đông góp vốn vào LaoVietBank và nắm giữ 10% cổ phần. Tuy nhiên, công ty này không trực tiếp nộp tiền mà thông qua Công ty Outhid Houng Heung.
Cáo trạng xác định, việc Tập đoàn An Phú xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thành để góp vốn vào LaoVietBank thực chất là "che giấu hành vi đầu tư ra nước ngoài trái phép của Tùng, Vinh và Quang". Từ đó cũng để hợp thức 10,4 triệu USD tiền mặt, Tùng và Vinh dùng để góp vốn vào LaoVietBank.
Toàn bộ cổ tức hơn 2,3 triệu USD (hơn 53 tỷ đồng) LaoVietBank trả cho Công ty SHH Viêng Chăn thì Trần Duy Tùng đã quản lý và sử dụng cá nhân, không chuyển về nước theo quy định tại Điều 65 Luật đầu tư năm 2014.
Hành vi nộp trái phép 10,4 triệu USD của Tùng và Vinh bị xác định có dấu hiệu của tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc Rửa tiền (nếu số tiền trên do phạm tội mà có hoặc thu lợi bất chính), VKSND Tối cao xác định. Tuy nhiên Tùng và Vinh đã bỏ trốn nên chưa ghi được lời khai để làm rõ nguồn gốc và cách thức có được số tiền trên. Cơ quan điều tra đã tách hành vi này khỏi vụ án đang xét xử, khi nào bắt được hai bị can sẽ điều tra làm rõ sau.
Ngoài dấu hiệu rửa tiền trên, Tùng còn bị cáo buộc liên quan "công ty sân sau" của bố. Theo đó, Công ty An Phú và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được ông Hà giới thiệu để làm dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh.
Do BIDV không được phép cấp tín dụng cho Công ty An Phú của Tùng, ông Hà chủ trương thành lập Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà, vốn điều lệ 200 tỷ đồng làm "sân sau". Hai trong số ba cổ đông của Bình Hà là Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh chỉ đứng tên để góp vốn thay cho Tùng, người còn lại là Đinh Văn Dũng do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu. Tùng trực tiếp điều hành chỉ đạo mọi hoạt động của công ty này.
Công ty Bình Hà được thành lập chỉ với mục đích chính để vay vốn của BIDV. Từ 2015 đến 2018, BIDV dưới sự chỉ đạo của ông Hà đã giải ngân cho Công ty Bình Hà vay hơn 2.600 tỷ đồng với các ưu đãi về vốn tự có và tài sản bảo đảm.
Khi được giải ngân, Tùng chỉ đạo ba cổ đông lợi dụng sự tin tưởng của ngân hàng do bố làm Chủ tịch HĐQT để thu tiền bán bò mà không nộp về tài khoản Công ty Bình Hà. Tùng và những đồng phạm này đã chiếm đoạt, gây thiệt hại cho BIDV gần 150 tỷ đồng. Tuy nhiên Tập đoàn An Phú do Tùng làm Chủ tịch HĐQT đã đứng ra nhận nợ hơn 128 tỷ đồng để hợp thức hóa và che giấu hành vi chiếm đoạt nên thiệt hại nay chỉ còn hơn 26 tỷ đồng, cáo trạng nêu.
Dù Tùng chưa có lời khai, căn cứ kết quả điều tra, nhà chức trách xác định Tùng là chủ thứ hai ở Công ty Bình Hà, sau ông Hà. Anh ta chỉ đạo các cổ đông câu kết với nhà thầu chiếm đoạt tiền của BIDV song đã được tách thành vụ án khác, tiếp tục điều tra.
Là một trong ba đồng phạm của Tùng, Quang khai trước năm 2015 là lái xe riêng cho Tùng nên được anh ta mượn chứng minh thư và nhờ đứng tên làm cổ đông Công ty Bình Hà. Lúc công ty mới thành lập, Quang không tham gia điều hành, đến tháng 4/2016 mới ra Hà Tĩnh giúp Tùng quản lý việc bán bò. Tuy nhiên, mọi hoạt động ở công ty Quang đều phải báo cáo và làm theo chỉ đạo của Tùng.
Dũng cho hay trong thời gian làm Tổng giám đốc Công ty Bình Hà đã câu kết với ba nhà thầu lập các hợp đồng xây lắp, kinh tế, hồ sơ thanh quyết toán theo đơn giá và khối lượng các hạng mục cao hơn so với thực tế. Từ đó, Dũng chỉ đạo Công ty Bình Hà làm hồ sơ đề nghị BIDV chi nhánh Hà Tĩnh giải ngân tạm ứng trước 50% giá trị hợp đồng vào tài khoản của các nhà thầu. Ba nhà thầu này khi nhận được giải ngân có trách nhiệm hoàn lại cho Bình Hà 20% tổng giá trị hợp đồng, theo yêu cầu của Dũng.
Cơ quan điều tra đánh giá, trách nhiệm cao nhất thuộc về Tùng sau đó đến Dũng, Quang và Vinh. Hành vi của bốn người đã phạm vào tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho BIDV chi nhánh Hà Tĩnh gần 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh đã bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.
Theo VKSND Tối cao, trong vụ án xảy ra tại BIDV, ông Hà chịu trách nhiệm chính, xuyên suốt trong việc chỉ đạo cho vay trái quy định gây thiệt hại cho nhà băng này hơn 1.600 tỷ đồng. Ông Hà chết trong quá trình tạm giam do bệnh lý nên cơ quan cảnh sát điều tra đã đình chỉ điều tra bị can.
Dù vậy, để đảm bảo thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước, cơ quan điều tra đã kê biên, ngăn chặn giao dịch nhiều bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, tiền gửi tại các ngân hàng... của ông Trần Bắc Hà. Ngoài ra, ông Hà bị phong tỏa nhiều tài sản ở Lào tương đương hơn 300 tỷ đồng. Con trai ông cũng bị kê biên ba bất động sản ở TP HCM.
Từ ngày 26/10, TAND Hà Nội đưa 8 cựu cán bộ ngân hàng BIDV ra xét xử về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo khoản 3 điều 179 Bộ luật hình sự 1999. 4 người còn lại bị xét xử về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.