"Phiên tòa đang diễn ra và không có sự dàn xếp nào đang hoặc đã được thảo luận", Salah Khashoggi, con trai cả của nhà báo Jamal Khashoggi, đăng Twitter hôm 10/4. "Những kẻ phạm tội và có liên quan đến tội ác này đều sẽ bị đưa ra công lý và đối mặt với hình phạt".
Hồi đầu tháng này, một nguồn tin nói với CNN rằng gia đình Khashoggi đã nhận được hàng triệu USD tiền mặt và tài sản bồi thường sau cái chết của nhà báo tại lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ tháng 10/2018. Theo đó, 4 người con của Khashoggi, gồm hai nam và hai nữ, nhận được những ngôi nhà ở thành phố cảng Jeddah, mỗi căn trị giá tới 4 triệu USD. Ngoài ra, họ còn nhận được ít nhất 10.000 USD mỗi tháng.
Khoản bồi thường này được cho là nỗ lực của chính phủ Arab Saudi nhằm đạt thỏa thuận lâu dài với các thành viên gia đình Khashoggi, đảm bảo rằng họ tiếp tục kiềm chế phát ngôn trước công chúng.
"Chúng tôi hiểu sự thôi thúc muốn biết những gì đã xảy ra liên quan đến vụ án và chúng tôi sẽ chia sẻ những diễn biến ngay khi có sự công nhận và cho phép về mặt pháp lý", Salah cho biết. "Không có bạn bè, chuyên gia tư vấn hoặc bất kỳ bên thứ ba nào được ủy quyền để nói thay chúng tôi hoặc tuyên bố là nguồn tin ngoại trừ các con của Jamal và luật sư Motasem Khashoggi".
Khashoggi là nhà báo của Washington Post, tới Mỹ sống lưu vong từ năm 2017 và thường xuyên chỉ trích chính quyền Arab Saudi. Cái chết của ông gây ra sự phẫn nộ trên toàn cầu. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) kết luận Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman có thể là người chỉ đạo vụ sát hại, nhưng Nhà Trắng không điều tra thông tin này, trong khi Riyadh kiên quyết phủ nhận.
Chính phủ Arab Saudi ban đầu khẳng định họ không biết gì về số phận của Khashoggi, nhưng sau đó thừa nhận một nhóm người đã giết nhà báo vì không thể thuyết phục ông về nước. Thi thể của Khashoggi vẫn chưa được tìm thấy.
5 trong số 11 người bị truy tố trong vụ sát hại nhà báo có thể đối mặt án tử hình. Theo luật pháp Arab Saudi, nếu các bị cáo bị kết án tử hình, gia đình Khashoggi sẽ nhận được khoản bồi thường gọi là "tiền máu". Luật Hồi giáo Sharia quy định bị cáo trả một khoản tiền cho người thân của nạn nhân để tránh bị tử hình.
Huyền Lê (Theo CNN)