Không ngờ con trai đích tôn 29 tuổi của tôi, cái gì cũng giỏi, có cá tính, độc lập nhưng lại "sợ con gái". Vì thế vợ chồng tôi muốn xin lời khuyên từ chuyên gia và các bạn.
Trước đây còn nghèo, vợ chồng tôi cố dành dụm, bảo bọc và khuyên nhủ con cái tập trung học hành để sau này có cuộc sống tốt hơn. Giờ nghĩ lại, có lẽ chúng tôi đã quá kiểm soát con cái về thời gian, chi tiêu và việc học. Chúng tôi cấm các con, nhất là con trai, trong việc trai gái và ăn chơi, tiêu xài không cần thiết. Có lẽ vì thế con trai luôn tự lực, cái gì cũng muốn tự làm. Điều đó cũng tốt nhưng cháu gần như độc lập hẳn, cứ im im mà làm và chỉ thông báo cho bố mẹ sau khi đã hoàn tất mọi việc. Chưa tốt nghiệp đại học, cháu đã tự tìm được việc làm ở công ty nước ngoài, 2 năm sau nghỉ việc khi đã kiếm được học bổng toàn phần du học thạc sĩ. Chúng tôi chỉ biết khi cháu trình ra vé máy bay và visa. Khi con lớn, vợ chồng tôi hiểu là nên để con tự sống cuộc sống riêng nên không kiểm soát thời gian của con nữa, nhưng con trai tôi quá lắm. Ở châu Âu, cháu di chuyển và sống ở nhiều nước. Chúng tôi chỉ biết khi thấy khung cảnh sau lưng con quá khác biệt. Khi về Việt Nam, cháu biệt tăm ngay sáng hôm sau và chúng tôi chỉ thấy khung cảnh đồi núi Tây Bắc sau lưng khi gọi con về ăn cơm tối.
Vợ chồng tôi từng luôn nhắc các con rằng nhà mình còn nghèo và kiểm soát chặt chi tiêu của các con. Chúng tôi thật sự không biết điều vô tình ấy đã gây ảnh hưởng đến tính độc lập của con trai đến mức nào, nhưng có lẽ cũng một phần lớn và đã khởi phát ngay từ thời cháu vào đại học mà chúng tôi không để ý. Ví dụ khi đỗ đại học, cháu tự mua xe sau khi âm thầm tiết kiệm tiền ăn sáng trong 3 năm cấp 3. Thời cháu còn nhỏ, nhà không có tiền để theo các trung tâm tiếng Anh chất lượng cao, cháu cũng hiểu và chỉ xin học một lớp căn bản rồi sau đó tự học. Rất xót xa khi con người ta có ôtô đưa rước, con mình đi cub tàng. Nhưng ngay cả khi nhà đã có điều kiện, chúng tôi có thể đóng tiền cho con theo học có hệ thống từ đầu đến cuối, cháu cũng vẫn tự học với cả tiếng Pháp, Hoa và hiện vẫn tự học tiếng Nhật. Chúng tôi hiểu tự học rất khó khăn nhưng không khuyên được. May mắn cháu sáng dạ nên giờ có thể nói được 4 thứ tiếng, nếu không chúng tôi sẽ rất hối hận vì mình thiếu thốn mà con cái thiếu hành trang vào đời.
Nhưng điều làm chúng tôi sợ nhất là cháu muốn mua căn hộ ra ở riêng. Gia đình tôi vốn rất coi trọng gia phong truyền thống. Chính con cũng tự học lấy Nho giáo và rất hiểu đạo hiếu nghĩa. Chúng tôi nỗ lực cả đời để mua đất xây nhà khang trang ở thành phố cho đời con cháu hưởng, nhưng giờ đây lại luôn trực chờ nỗi lo rằng sáng mai lên phòng con thì con đã âm thầm dọn ra ngoài từ khi nào. Giờ ở chung nhà đã độc lập như vậy, đến khi ra ngoài, chúng tôi sợ rằng sẽ xa con luôn. Vợ chồng tôi biết cháu đi làm vài năm đã đủ lực, hiện chỉ bị ngăn trở vì sợ làm mẹ buồn.
Độc lập là vậy, nhưng 29 năm qua cháu chưa từng nắm tay bạn nữ nào. Chúng tôi biết vậy vì con có nguyên tắc là không bao giờ nói dối, chỉ là biết cách hỏi để con khai thật. Chúng tôi biết con không phải gay. Sau khi du học về, cháu có phong thái sắc sảo, đĩnh đạc. Khi thử đưa con đến vài cuộc mai mối môn đăng hộ đối, bên đằng gái đều ưng, muốn cưới liền nhưng cháu đều lảng đi. Bạn nữ nào nghe cháu trò chuyện bằng tiếng Pháp thì đổ ngay, thậm chí chủ động tấn công nhưng cháu toàn tránh né. Hỏi ra thì con đòi ra riêng mới lấy vợ, còn lấy ai là con tự lo và tự chọn. Nhưng năm tới 30 tuổi rồi, tình cảm thì cần vài năm xây dựng mà con lại chưa có kinh nghiệm yêu ai. Vợ chồng tôi lo cho con cứ kém cá chọn canh thế này thì có đến trung tuần mới tìm được vợ, để rồi khi già, con cháu mới bắt đầu lớn lại không được nghỉ ngơi. Hơn nữa con lại là đích tôn nam duy nhất của cả họ. Ông bà nay đã 80 tuổi cũng mong ngóng cháu, sợ chờ không kịp nhưng cũng không vì thế mà ép con lấy đại cô nào được.
Vợ chồng tôi đang không biết làm thế nào để thuận cả đôi đường: có con cháu cùng sống đồng đường gắn kết, con trai chịu tìm và lấy vợ. Chúng tôi có cảm giác cháu đang lấy chuyện hạnh phúc cả đời ra làm điều kiện tiên quyết để được đồng thuận ở riêng.
Huỳnh
Chuyên gia tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Thân gửi đến anh chị,
Con trai lớn của anh chị đã trưởng thành, có thể tự chủ về nhiều mặt trong cuộc sống. Cậu ấy có mục tiêu, hoài bão riêng với động lực và sự tập trung rất lớn dành cho nó. Có lẽ được học hỏi sự nỗ lực, cố gắng từ bố mẹ và nhận thức được hoàn cảnh gia đình khi còn nhỏ nên cậu ấy luôn muốn sớm có khả năng tự lo cho mình, giảm gánh nặng cho gia đình. Vị trí anh cả, con trưởng trong gia đình cũng có thể là lý do khiến cậu ấy càng quyết tâm hơn với những mục tiêu của mình. Cậu chịu khó tự mày mò, trang bị cho bản thân hành trang đầy đủ từ sớm để bước vào đời.
Việc không báo trước với bố mẹ các dự định cũng có thể bắt nguồn từ thói quen tự thân một mình, không muốn bố mẹ phải lo lắng, suy nghĩ cho mình ngay từ khi còn bé. Tuy nhiên điều này lại vô tình khiến anh chị cảm thấy con trai đang dần xa cách bố mẹ. Tôi hiểu rằng với anh chị, việc để con có nếp sống độc lập không phải là điều tiêu cực, anh chị chỉ lo lắng khi thấy sự độc lập đó dần trở thành sự rời xa. Việc nhận ra mình không hề nắm rõ mọi thông tin về con như trước dấy lên nỗi sợ rằng một ngày con sẽ rời khỏi bố mẹ, và căn nhà sẽ không còn ấm cúng, đủ đầy như trước. Do thói quen bảo vệ, luôn kiểm soát, uốn nắn con nên anh chị vẫn chưa quen với việc con đã lớn và nằm ngoài vòng tay của bố mẹ.
Tương tự như vậy, việc dựng vợ gả chồng cho con cũng là một cách anh chị muốn con ổn định, gần gũi với gia đình hơn. Khi có mái ấm nhỏ riêng, cậu ấy sẽ biết suy nghĩ thấu đáo hơn, nghĩ đến mọi người xung quanh trước khi đưa ra quyết định. Dù vậy, như anh chị đã chia sẻ, việc con lấy vợ là không thể bắt ép, vì có liên quan phần nào đến hạnh phúc cả đời của cậu ấy. Mái ấm riêng của vợ chồng nên được xây dựng từ công sức của cả hai bên, giống như anh chị cùng nhau tần tảo trước đây. Vì vậy trong hôn nhân, hai người cần tiến đến với nhau một cách tự nhiên, không theo một cách thức nhất định nào.
Cậu ấy đã làm ở những công ty lớn, đi du học nước ngoài và rất sắc sảo, đĩnh đạc. Điều này cho thấy cậu ấy có lối giao tiếp, gây ấn tượng theo cách đặc biệt của riêng mình với người thực sự để tâm. Những buổi mai mối có thể không phải là hoàn cảnh quen thuộc để cậu ấy thoải mái thể hiện bản thân một cách tự nhiên nhất. Hơn nữa, việc chàng trai chưa có người yêu không đồng nghĩa với việc cậu ấy không muốn tìm bạn gái. Có thể ở thời điểm hiện tại, cậu ấy chưa tìm thấy ai phù hợp để bắt đầu một mối quan hệ lãng mạn, và cậu quyết định rằng vội vàng không phải là cách tốt nhất để xây dựng cuộc sống tương lai của mình.
Anh chị đang rất sốt ruột vì con trai đã lớn, lại là con trưởng. Tuy nhiên những can thiệp, hỗ trợ ở thời điểm hiện tại của bố mẹ khó có thể xuất hiện mọi lúc khi con cần. Cậu ấy cần phải học cách tự chịu trách nhiệm, rút ra bài học cho chính cuộc đời mình. Điều này muốn thành công rất cần sự tin tưởng của anh chị với lựa chọn của con. Dù ở cùng nhà với bố mẹ hay không, sự khác biệt về địa lý không thể quan trọng bằng việc cậu ấy luôn đảm bảo mình làm tròn đạo hiếu của người làm con. Và cho dù cậu có lấy ai, hay ở đâu, việc chăm sóc, quan tâm, báo hiếu với bố mẹ vẫn luôn được thực hiện bởi cả hai vợ chồng.
Hiện tại, việc truyền đạt thông tin giữa hai bên chưa rõ ràng khiến anh chị cảm thấy xa cách và luôn bị động trong việc đưa ra phản ứng. Sống cùng nhà, cần nhiều hơn những cuộc trò chuyện về mục tiêu, kế hoạch tương lai và quan điểm của mỗi thành viên trong gia đình, để cả anh chị và con hiểu, thống nhất rằng nên hỗ trợ đối phương thế nào là phù hợp nhất. Quan trọng là không ai cảm thấy quá lo lắng hay mơ hồ về chính người thân trong gia đình. Hiện giờ có thể anh chị còn có phần nghi ngờ và lo lắng về những lựa chọn của con, nhưng chỉ có cậu ấy mới biết đâu là điều phù hợp nhất với cuộc sống của mình. Những cuộc trò chuyện của hai bên nếu tập trung vào điều này sẽ giúp cải thiện mối quan hệ và tăng sự gần gũi, tin tưởng giữa anh chị và cậu ấy. Khi đó khoảng cách giữa bố mẹ và con nếu có sẽ chỉ tính bằng km, chứ không còn tồn tại vấn đề ở sự gắn kết nữa.
Với những ai đã làm bố làm mẹ, ít nhiều đều thấu hiểu nỗi lòng của anh chị, rằng con cái là tài sản vô giá. Vì vậy dù thế nào, cha mẹ cũng muốn làm mọi thứ có thể để đem lại hạnh phúc cho con mình. Những khó khăn trước kia khiến anh chị cảm thấy cần có trách nhiệm bù đắp những thiệt thòi cho con, để sau này con luôn hạnh phúc. Bởi thế anh chị chuẩn bị trước những gì cần thiết để cuộc sống sau này của con được ổn định mà an cư lạc nghiệp. Nhưng việc viết ra kịch bản từ đầu đến cuối cho con sẽ khó mà hợp lý khi con có những đặc điểm và quyết định riêng, biết đâu phù hợp với bản thân, với thực tế xã hội. Để tự tin với những lựa chọn trong ương lai, cậu ấy cần ở anh chị sự tin tưởng: tin tưởng rằng con mình sẽ hạnh phúc.
Chúc anh chị thật nhiều sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần, luôn cảm nhận sự bình yên trong cuộc sống.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.