Thứ bảy, 28/12/2024
Thứ năm, 16/9/2021, 07:01 (GMT+7)

Con trai đưa ảnh bố đi du lịch khắp Bhutan

Nguyễn Ngọc Quang chưa từng nghĩ đến việc sẽ đi Bhutan cho đến khi phát hiện iPad của người bố đã mất lưu rất nhiều ảnh quốc gia này.

"Hiểu rằng bố rất muốn đến miền đất Phật này, lòng tôi liền khởi niệm muốn đưa di ảnh ông qua đó với lòng báo hiếu cầu chư Phật phù hộ cho ông sớm về miền Tịnh độ. Với tôi, đó cũng là cách để báo hiếu cho ông sau những mất mát xảy ra đột ngột", anh Quang nhớ lại.

Khác với những lần du lịch trước, chuyến đi này diễn ra một cách tình cờ, anh Quang gần như không chuẩn bị trước. "Tôi thấy một người bạn bình luận vào bài đăng về chuyến hành hương Bhutan dịp Tết Âm lịch và liên hệ. Rất may là chuyến đi còn chỗ, lịch trình cũng phù hợp, đi được nhiều chùa và tham dự được nhiều khoá lễ như mong muốn của tôi", người đàn ông sinh năm 1983 kể. Thời gian từ lúc lên ý tưởng tới khi khởi hành vỏn vẹn hai tháng nhưng "không hiểu sao cảm giác là chuyến đi sẽ tốt đẹp, và có gì đó thôi thúc là hãy cứ lên đường".

Chuyến đi của anh Quang diễn ra cuối tháng 2/2018, kéo dài sáu ngày, qua ba thành phố lớn của Bhutan là Paro, thủ đô Thimphu và Punakha. Anh mang di ảnh bố đến những thánh địa linh thiêng của Bhutan để ông được lễ Phật, được ngoạn cảnh như ước mong lúc sinh thời.

"Thực ra việc riêng của tôi không nằm trong kế hoạch của đoàn. May mắn là khi đoàn tới đỉnh lễ (chào hỏi, xin phước lành) của một vị Rinpoche tái sinh, tôi có trình bày và ngài từ bi tổ chức lễ cầu nguyện cho bố tại Tự viện riêng của ngài tại Thimphu. Còn lại trên đường đi tới những địa điểm phù hợp, tôi cúng dường đèn bơ hoặc xin các Lama, Rinpoche gia trì cho bố thông qua di ảnh", anh Quang thuật lại.

Theo truyền thống của các Quốc gia Phật giáo Kim cương thừa (Tây Tạng, Bhutan, Nepal, Sikkim), đèn bơ được dâng cúng như một sự hồi hướng cho người đã khuất để dẫn dắt linh hồn họ nhờ ánh sáng của trí tuệ.

Anh Quang cho biết thêm, một khóa lễ Phật thường có các bước khác nhau, tùy vào nội dung buổi lễ, tông phái và vùng miền. Các khóa lễ Phật tại Bhutan anh được tham dự có thể tóm lược lại thành năm bước. Đầu tiên, chư tăng sẽ cử hành lễ Puja, sám hối, tịnh hoá các ác hạnh. Tiếp đó đến các nghi thức thỉnh chư Phật, Bồ tát; tụng đọc các bản kinh văn, câu thần chú; nghi thức hỏa tịnh, đốt các cúng phẩm (hương, hoa, thực phẩm, vải). Cuối cùng là hồi hướng công đức và cầu nguyện cho vong linh, hữu tình chúng sinh đều được siêu thoát, giác ngộ.

Nhờ đơn vị du lịch kết nối với các bậc thầy trụ trì tại các tự viện trong lịch trình, anh Quang có cơ hội gặp gỡ, đỉnh lễ nhiều vị thầy và được vào một số địa điểm linh thiêng hạn chế du khách như bảo tháp bí mật tại Thánh địa Dzongdrakhar.

Thánh địa Dzongdrakhar có bảo tháp nơi Đức Phật quá khứ (trước thời kỳ của Phật Thích Ca) từng tu hành. Nay bảo tháp được bảo vệ trong một gian chùa kiên cố. "Khi tôi trình bày việc tâm nguyện, các thầy đều hoan hỉ, giúp cầu nguyện, gia trì và đặt di ảnh bố vào trong bảo tháp bí mật này", anh Quang tiết lộ.

Ngoài Thánh địa Dzongdrakhar, anh Quang đưa di ảnh bố đến chín địa điểm linh thiêng khác ở Bhutan, trong đó có chùa Kyichu Lhakhang, một trong những ngôi chùa cổ và thiêng liêng nhất nước này. Chùa được Vua Tây Tạng Songtsen Gampo (Tùng Tán Can Bố) xây từ thế kỷ 7.

Cổng trời Dochula, cao 3.150 m so với mực nước biển, là nơi có tu viện Druk Wangyal và quần thể 108 bảo tháp truyền thống đặc trưng của Bhutan được xây dựng như một đài tưởng niệm dưới sự bảo trợ của Nữ hoàng Ashi Dorji Wangmo Wangchuk để tưởng nhớ những người lính Bhutan chống lại quân nổi dậy Assam từ Ấn Độ. Đó cũng là nơi đánh dấu chiến thắng của Vua Jigme Singye Wangchuck, người đã đánh bật quân nổi dậy khỏi 30 trại trên lãnh thổ Bhutan.

Hành trình của anh Quang cũng ghé Cung điện Tashicho Dzong (Thimphu Dzong), nơi làm việc của Nhà Vua, Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Bhutan. Công trình được Lạt Ma Gyalwa Lhanangp cho xây dựng vào năm 1216. Sau khi vua Jigme Dorji Wangchuck chuyển về Thimphu sinh sống, Tashichho Dzong được nâng cấp, tăng thêm diện tích và trở thành trung tâm quyền lực của Bhutan.

Ngày cuối hành trình, anh Quang đưa di ảnh Bố đến thánh địa Tiger’s Nest, nơi Đức Liên Hoa Sinh thiền định. Đây là địa danh nổi tiếng nhất Bhutan và được coi như biểu tượng của đất nước này. Với anh, đây cũng là địa điểm đặc biệt nhất chuyến đi.

"Trước lúc khởi hành, tôi đọc thông tin giới thiệu và xem ảnh, chỉ thấy đây là một địa điểm có cảnh đẹp ngoạn mục. Nhưng về tới những ngày cuối của chuyến hành hương báo hiếu, qua ba tiếng leo bộ đường núi để lên Tiger’s Nest, sau khi đi lễ hết các gian chùa xong thì cảm xúc lên đến đỉnh điểm", anh hồi tưởng. "Sau khi đưa di ảnh bố đi Phật xong xuôi, tôi ra cửa sổ quay ảnh ông cùng nhìn xuống thung lũng và thầm nhủ: 'Con đưa bố tới đây thôi nhé, bố hãy tiếp tục cuộc hành trình của mình' và lúc này, bao cảm xúc dồn nén bấy lâu tuôn trào".

Chuyến đi đã giúp anh Quang giải tỏa được tâm lý sau khi cảm thấy bất lực trước sự ra đi đột ngột của bố. Càng về sau chuyến đi, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, anh càng hiểu ra rằng, hành trình của cuộc đời luôn song hành với sự vô thường. Mỗi người đều có một cuộc hành trình riêng. Đối với cha mẹ, đôi khi chỉ cần hoàn thành một ước nguyện, hay cùng đưa họ trên chặng cuối của cuộc hành trình cuộc đời, cũng là sự báo hiếu với lòng biết ơn sâu sắc nhất.

Nguyễn An

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net