Ngày 14/5, video của Minh Tiến (15 tuổi, huyện Mê Linh, Hà Nội) xuất hiện trên nhiều diễn đàn mạng với hàng trăm nghìn lượt thích và bình luận. Trong video có tên "Ăn mừng 20k sub, đổ trứng gà lên đầu mẹ và cái kết", cậu lấy trứng gà trộn với nước, đứng từ trên tầng hai, đổ lên đầu mẹ mình đang rửa bát dưới sân, khiến bà ngã ra.
Người xem phản ứng dữ dội vì cho rằng đây là hành động làm lố, câu like bất chấp. Chỉ sau một ngày, kênh của Tiến đã bị đóng vì nhiều người xem báo cáo vi phạm.
Tiến cho biết thấy nhiều kênh khác đã làm trước đó nên cũng muốn làm theo để gây sự chú ý. Dù lên tiếng xin lỗi người xem, Tiến vẫn phải nhận những bình luận chỉ trích gay gắt. Mấy ngày qua, mẹ của Tiến cũng phải chịu nhiều lời mỉa mai từ người xung quanh.
"Con bảo mẹ giúp thì mẹ vui vẻ làm cùng con thôi, chứ chẳng nghĩ gì nhiều. Thế nhưng làm xong thì nhiều người chửi bới, thậm chí đe dọa con tôi. Đây có lẽ là bài học lớn của gia đình", mẹ của Minh Tiến nói.
Anh Nguyễn Thành Bôn (32 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) bức xúc sau khi xem xong video, chia sẻ "dù biết là diễn nhưng những hình ảnh tiêu cực mới là vấn đề. Đây như là cổ súy những hành động ấu trĩ, nhiều trẻ em sẽ nghĩ như vậy là vui và có thể sẽ bắt chước làm những hành động này với bố mẹ của mình".
Anh Lê Nam (37 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội), người có hơn 10 năm sản xuất nội dung trên mạng xã hội, cho biết: "Lấy người thân trong gia đình để gây sự chú ý đang được coi là một công thức tạo sự nổi tiếng trong mấy tháng gần đây. Có rất nhiều bậc cha, mẹ vì thương con nên chấp nhận có mặt trong những video có thể coi là nhảm nhí".
Anh Nam đã có nhiều khảo sát về xu hướng người xem trên mạng để nắm bắt thị hiếu khán giả. Nửa năm 2019, khoảng 100 kênh vlog (video nhật ký) có người lớn tuổi là người dẫn hoặc nhân vật chính. Có một nhóm nhỏ được sự ủng hộ lớn từ người xem, tạo thu nhập cao. Tuy nhiên, hơn 70% bị nhận đa số phản ứng tiêu cực.
Tương tự trường hợp của Minh Tiến, bà Nguyễn Thị Tâm (55 tuổi, Quảng Nam) tham gia vào kênh video xã hội cũng do con trai "lôi kéo". Kênh này có nội dung về ẩm thực như "ly trà sữa khổng lồ", "đĩa bánh tráng trộn siêu to"...
Mới đây, sau vài ngày đăng tải, video làm ly trà sữa quá cỡ của bà mẹ lớn tuổi đã có hàng nghìn bình luận phê phán. Nhiều người cho rằng, con của bà Tâm lợi dụng hình ảnh cha mẹ để kiếm sự nổi tiếng nhưng không nghiêm túc sáng tạo, chỉ bắt chước kênh khác.
Bà Tâm cho biết, "tôi coi nhiều kênh cá nhân thấy người cùng tuổi, thậm chí lớn tuổi hơn làm, nên con trai gợi ý là tôi đồng ý ngay. Vả lại, ở tuổi này, tôi chỉ mong có một công việc gì đó nhàn và tạo ra thu nhập. Chưa hề nghĩ tới việc sẽ bị chửi bới như vậy".
"Mẹ hưởng ứng việc làm của con mà không chịu tìm hiểu, chỉ thấy cái lợi trước mắt như nhiều view, có tiền... Đây là suy nghĩ lệch lạc chứ không phải là tình thương thực sự", anh Trần Duy (41 tuổi, TP HCM), nhận định.
Không chỉ đem người thân, bạn bè ra để làm trò, nhiều người còn làm video gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người xung quanh. Tháng 12/2016, Nguyễn Thành Nam (25 tuổi), chủ nhân của một kênh video hài hước đã phải đến trụ sở công an thành phố Hà Nội để giải trình về hành vi gây rối trật tự công cộng. Video của người này có nội dung mang bom giả để hù dọa, khiến nhiều người đi đường hốt hoảng bỏ chạy và té ngã.
"Những video này cho thấy sự dễ dãi của phần lớn những người theo dõi, và cứ thế, về sau người xem sẽ chỉ nhận được những sản phẩm kém chất lượng. Đây là những nội dung rất độc hại cho trẻ nhỏ, phụ huynh cần phải hướng dẫn con mình tránh xa", thạc sĩ Trần Thanh Phong, giảng viên một trường đại học tại TP HCM chia sẻ quan điểm.
Trọng Nghĩa