Do không chắc chắn khoản vay này là thật, tôi đã từ chối trả thay. Như vậy có đúng luật không? Nếu khoản nợ kia là thật, tôi phải làm sao?
Luật sư tư vấn
Vay tài sản là một hình thức của giao dịch dân sự. Theo quy định, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Do đó, hợp đồng vay tài sản có thể được lập thành văn bản, thể hiện qua lời nói hoặc hành vi cụ thể. Hợp đồng vay tài sản không bắt buộc phải được công chứng hay chứng thực. Vì vậy, giấy nhận nợ viết tay cũng được coi là một hợp đồng vay tài sản hợp pháp.
Tuy nhiên, để giấy vay nợ viết tay có hiệu lực phải đáp ứng các điều kiện về nội dung nêu tại điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 trên và các điều kiện nêu tại Điều 117 Bộ luật này gồm:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch vay;
- Bên cho vay và bên vay phải hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của việc vay nợ không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
- Lãi suất cho vay không vượt quá 20%/năm...
Trường hợp bố bạn đã mất, để đảm bảo quyền lợi của người cho vay, điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về những người phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi mà người vay tiền chết. Cụ thể như sau:
- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
- Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Như vậy, bố của bạn mất thì nghĩa vụ trả nợ sẽ do những người thừa kế của bố bạn thực hiện. Nếu bố bạn để lại di chúc, người thừa kế theo di chúc có trách nhiệm trả nợ. Trong trường hợp bố bạn không để lại di chúc, trách nhiệm trả nợ thuộc về những người thừa kế theo pháp luật (có thể là vợ, các con, cha mẹ đẻ của người mất).
Người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ tương ứng với phần di sản được chia nhưng không vượt quá phần di sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do đó, việc vợ và các con của người mất từ chối trả nợ, với lí do không phải người vay, không có trách nhiệm trả là không phù hợp với các quy định của pháp luật.
Trong trường hợp việc vay nợ của bố bạn là có thật và gia đình bạn không trả nợ, chủ nợ có đủ điều kiện để khởi kiện gia đình bạn ra tòa án để đòi lại quyền, lợi ích của họ.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội