Hà Linh là một trong sáu gương mặt thi Sao nối ngôi 2018 - chương trình dành cho con, cháu các nghệ sĩ trong làng sân khấu. Ở tuổi ngoài 40, anh là thí sinh có thâm niên trong nghề nhất. Dẫu vậy, khi tự so sánh với các thí sinh trẻ khác, con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga cho biết anh mặc cảm vì đi diễn đã lâu, tuổi tác đã lớn song vẫn không nổi tiếng.
Nghệ sĩ hài Hà Linh tại buổi ra mắt "Sao nối ngôi" mùa ba. |
"Tôi thiếu tự tin để được năng động như các em. Tôi không còn trẻ, không dám thể nghiệm những cái mới trong nghề diễn. Điều quan trọng hơn, tôi là con cháu của gia tộc cải lương Thanh Minh - Thanh Nga. Tôi mà làm sai, người ta không chỉ đánh giá mỗi tôi mà còn cả dòng họ, gia đình. Tôi luôn phải thụ động, rụt rè, hạn chế rủi ro tới mức thấp nhất, từ đó không có sự đột phá", Hà Linh tâm sự.
Diễn viên hài cho biết chính danh tiếng của gia đình đã giúp anh có lợi thế khi bước vào nghề, nhưng đồng thời cũng là cái bóng khiến anh luôn bị áp lực. Gia tộc anh có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như nghệ sĩ Bảo Quốc, Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Châu... "Đó là vách núi sừng sững mà tôi rất khó để vượt qua. Tôi nhiều lần mặc cảm vì không biết bao giờ mới bằng được ông bà, cha mẹ, cậu, anh... của mình. Tôi vẫn tiếp tục đi diễn nhưng không còn mong được chú ý. Cái gì cũng có nguyên nhân. Nếu nổi tiếng, tôi đã nổi từ vài chục năm trước", anh chia sẻ.
Hà Linh thuở bé bên mẹ - cố nghệ sĩ Thanh Nga. |
Gia đình nghệ sĩ Hà Linh luôn có một luật bất thành văn: người thân có thể hỗ trợ cơ hội trong nghề cho nhau, nhưng năng lực phải do bản thân tự phát triển. Do vậy, anh chưa bao giờ nhờ vả cậu, anh để được quay phim, đóng kịch. Diễn viên từng có quãng thời gian thất nghiệp sau khi ra trường, phải phụ bán vé, kiêm cả khâu xé vé, sắp xếp ghế, kéo màn, chuẩn bị hậu đài... Đôi lúc, anh tủi thân vì vốn xuất thân từ gia tộc danh giá lại phải làm những việc bị cho là tủn mủn. Sau này, Hà Linh thêm trân trọng những công việc chân tay, vì nhờ đó anh mới có những vai diễn đầu tiên trong nghề.
Hà Linh tham gia cuộc thi sắp tới cũng nhằm kỷ niệm 40 năm ngày Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nga qua đời. Dù sở trường là diễn kịch, anh vẫn tái hiện một số trích đoạn cải lương lẫy lừng một thời của sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga như Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn... Gia tộc anh cứ 5 năm sẽ tổ chức một buổi họp mặt thân tình để tưởng niệm ngày mất của cố nghệ sĩ Thanh Nga. "Năm nay, anh Hữu Châu cùng tôi sẽ chủ trì buổi gặp gỡ gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga trong nước, ở hải ngoại sẽ do cậu Sáu Bảo Quốc lo liệu", Hà Linh chia sẻ.
* Hà Linh diễn hài trong game show
Nghệ sĩ Hà Linh sinh năm 1973. Năm anh lên 5, bố mẹ Hà Linh qua đời, mẹ anh - Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nga - đỡ phát súng cho con khi bị hai kẻ lạ mặt tấn công. Gần 30 năm trong nghề, anh được biết đến với những tiểu phẩm hài trong chương trình Gala Cười, các game show và diễn ở các tụ điểm sân khấu. Mới đây, anh đóng vai phụ - một luật sư - trong phim điện ảnh Tháng năm rực rỡ.
Cố Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nga sinh năm 1942. Những năm 1960 - 1970, Thanh Nga được coi là "nữ hoàng" trên sân khấu cải lương miền Nam. Bà từng đoạt giải Thanh Tâm triển vọng với vai sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới. Năm 1966, nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm xuất sắc với vai Giáng Hương trong vở Sân khấu về khuya.
Hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, tên tuổi Thanh Nga gắn liền với nhiều vở cải lương gây tiếng vang như Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn, Bên cầu dệt lụa, Phụng Nghi đình, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng sóng Tiêu Tương... Ngoài cải lương, nghệ sĩ góp mặt trong nhiều phim điện ảnh như Loan mắt nhung, Xa lộ không đèn, Sau giờ giới nghiêm, Lan và Điệp...
Tam Kỳ