Sáng nay, bị cáo Đỗ Hoàng Việt, 30 tuổi, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, con trai chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, là người đầu tiên bị TAND Hà Nội xét hỏi. Việt bị bắt cùng ngày với cha, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, song được tại ngoại từ tháng 9/2023. Ông Dũng bị cách ly trong lúc HĐXX thẩm vấn Việt và 13 bị cáo còn lại.
Việt khai sai phạm xảy ra trong bối cảnh tình hình tài chính Tân Hoàng Minh gặp nhiều vấn đề: Ảnh hưởng của Covid-19, ngân hàng siết tín dụng, có khoản nợ lớn. Tân Hoàng Minh cần hơn 20.000 tỷ đồng để trả nợ.
Theo chỉ đạo của ông Dũng, các phòng ban đề xuất cách tháo gỡ, trong đó Việt đưa ra phương án phát hành trái phiếu. Trong cuộc họp riêng với Việt và Phó giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán kiêm kế toán trưởng Phùng Thế Tính, ông Dũng thống nhất chủ trương này.
Việt cùng các "anh em khác" lên phương án cụ thể, sau đó báo cáo Chủ tịch Dũng. Theo kế hoạch, họ sẽ dùng các công ty thuộc "hệ sinh thái" Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu rồi mua đi bán lại, sử dụng "thương hiệu" Tân Hoàng Minh để bán cho người dân. Để các công ty được đủ điều kiện phát hành trái phiếu, họ phải chỉnh sửa báo cáo tài chính, số liệu nợ...
VKS cáo buộc để các nhà đầu tư tin tưởng việc huy động vốn cho các dự án là có thật, Việt cùng cấp dưới lập hợp đồng hợp tác với một số công ty cũng thuộc Tân Hoàng Minh.
Tại phiên toà sáng nay, Việt khai "bên tư vấn bảo phương án đó ok" nên cho triển khai, chứ ngay từ đầu "không có ý định lập khống các dự án ảo để lừa đảo". Bị cáo 30 tuổi phân trần các dự án bất thành chỉ là "chưa đủ điều kiện thực hiện và một số nguyên nhân khác".
Chủ tọa truy vấn "nguyên nhân gì?", Việt nói không nhớ hết. Ngay sau đó, HĐXX nhắc: "Dự án chưa đầy đủ pháp lý, hợp đồng giả cách, công ty ký hợp tác đều thuộc Tân Hoàng Minh cả đúng không?". Bị cáo Việt đáp: Đúng.
Sau khi 3 công ty phát hành thành công hơn 90 triệu trái phiếu, Việt khai Tân Hoàng Minh mua lại để dùng "thương hiệu" tập đoàn bán trái phiếu cho các nhà đầu tư.
Song theo VKSND Tối cao, số trái phiếu tổng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, trong khi tài khoản của Tân Hoàng Minh khi này chỉ có 40-200 tỷ đồng. Dưới chỉ đạo của ông Dũng, Việt và cấp dưới tại tập đoàn phải "chạy dòng tiền" để có đủ 10.000 tỷ đồng cho Tân Hoàng Minh mua lại trái phiếu.
"Bị cáo giải thích chạy dòng tiền là thế nào?", HĐXX yêu cầu. Việt nói không nhớ, do thời gian đã lâu, và đã khai ở cơ quan điều tra. Chủ tọa Nguyễn Xuân Văn tóm tắt lại cách thức "chạy" dòng tiền: Từ số tiền nhỏ của công ty con, chuyển vòng vèo cho sang Tân Hoàng Minh để Tân Hoàng Minh đủ tiền rồi lại chuyển trả cho các công ty này đúng không?
Việt thừa nhận song cho rằng việc huy động dòng tiền là việc bình thường ở tập đoàn nên các phòng ban tự biết để làm. Chủ tọa đáp: "Tiền không có mà khống một đồng lên 10 đồng để mua lại trái phiếu. Bị cáo phải chỉ đạo thì nhân viên mới biết mà làm, chứ sao lại là tự biết. Bị cáo không chỉ đạo thì không ai làm cả, đúng không?".
Bị cáo Việt vò hai tay, đáp ngập ngừng: "Khi làm, không nhận thức được nó gây ra hậu quả đó". Chủ tọa đáp: "Cái đó xét sau".
Bị cáo thừa nhận đã gian dối, trái phiếu không có giá trị cho người dân song đã nhận thức được hành vi và tích cực nộp khắc phục hậu quả, xin được xét là yếu tố giảm nhẹ.
Khai sau đó, bị cáo Tính thừa nhận "lường được hậu quả, nhưng không nghĩ nó lớn đến vậy". Ông khai biết rõ về tình hình tài chính của Tân Hoàng Minh nên cùng Việt bàn bạc và thực hiện chuỗi hành vi như cáo buộc
Theo chỉ đạo của Việt, ông triển khai chỉnh sửa báo tài chính của ba Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung điện Mùa Đông trong "hệ sinh thái" Tân Hoàng Minh; bàn bạc, thỏa thuận với hai công ty kiểm toán ban hành báo cáo kiểm toán gian lận, sai sự thật, để đủ điều kiện phát hành trái phiếu. Ông cũng phân công chỉ đạo cấp dưới chạy dòng tiền khống, giúp sức cho ông Dũng chiếm đoạt hơn 4.500 tỷ đồng.
Cùng với cha con ông Dũng đã tác động gia đình nộp hơn 5.600 tỷ đồng, ông Tính được tòa ghi nhận nộp 20 triệu đồng, Phó giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán Hoàng Quyết Chiến nộp 15 triệu đồng.
Hôm nay, bị chủ tọa chất vấn "so với thiệt hại vụ án, nộp lại có 15 triệu đồng, bị cáo thấy sao?". Bị cáo Chiến đáp chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi. "Đó là toàn bộ số tiền gia đình có".
Phiên tòa được bố trí 3 khu vực xét xử, trong đó có hai phòng và một rạp ngoài trời, phục vụ số lượng bị hại lên tới 6.630 người. Họ có mặt tại tòa từ sớm, mong muốn lấy được tiền đã bị mất khi đầu tư trái phiếu.
Cáo trạng xác định, đầu năm 2022, Tân Hoàng Minh nợ ngân hàng 20.000 tỷ đồng. Để giải quyết khó khăn tài chính, ông Dũng chỉ đạo con trai huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu.
Cha con ông Dũng không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh do không đủ điều kiện nên lựa chọn các công ty trực thuộc tập đoàn để phát hành, gồm Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung điện Mùa Đông. Việt và thuộc cấp liên hệ với hai công ty kiểm toán để "làm đẹp báo cáo tài chính" sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Các bị cáo ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư để các nhà đầu tư tin rằng trái phiếu để thực hiện dự án có thật.
Theo VKS, bằng cách thức trên, ba công ty phát hành hơn 9 triệu trái phiếu tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Tân Hoàng Minh sau đó ký các hợp đồng giả cách mua lại và chia nhỏ, bán lại cho nhà đầu tư được hơn 14.000 tỷ đồng.
Trong số này, hơn 5.000 tỷ đồng được Tân Hoàng Minh dùng để lấy người mua sau trả cho người mua trước. Do đó, số tiền các bị cáo chiếm đoạt được VKS xác định là hơn 8.600 tỷ đồng. Số tiền được tập đoàn này và các cá nhân liên quan nộp lại toàn bộ trong quá trình truy tố.
Chiều nay, tòa tiếp tục xét hỏi.
Thanh Lam - Viết Tuân