Họa sĩ Bùi Thanh Phương (phải). Ảnh nhân vật cung cấp. |
Đầu tháng 10, hãng đấu giá Sotheby's chi nhánh Hong Kong tuyên bố trên một trang web rằng, họ sẽ tổ chức bán 5 bức tranh của họa sĩ Bùi xuân Phái, gồm: Mèo đỏ, hai bức tranh lấy đề tài về chèo và hai bức đề tài phố cổ. Khi phát hiện ra, trong số đó, chỉ có bức Mèo đỏ là tranh thật, họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai Bùi Xuân Phái - đã gửi thư cảnh báo cho Sotheby's.
Trước phản ứng của gia đình, Sotheby's đã gỡ thông tin về các bức tranh nhưng phiên đấu giá vẫn diễn ra như dự định. 3 trong số 5 bức tranh đã được bán. Bức tranh thật Mèo đỏ được bán với giá 50.000 HKD (hơn 6.000 USD). Bức chèo thứ nhất giá 150.000 HKD (hơn 19.000 USD) và bức chèo thứ hai 162.500 HKD (hơn 20.000 USD). Như vậy, tranh giả, dù được sao chép, làm nhái vẫn bán đắt hơn nhiều lần so với tranh thật. Họa sĩ Thanh Phương cho biết, 150.000 HKD và 162.500 HKD là những mức giá “kỷ lục cho một bức tranh vẽ trên giấy báo của một họa sĩ Việt Nam”. Những người mua đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để rước về 2 bức Bùi Xuân Phái giả hiệu. Trước đó, Sotheby's Hong Kong đã có một phiên rao bán tranh Bùi Xuân Phái vào 8/4. Tính ra, trong năm nay, Sotheby's đã bán 13 bức tranh của cố họa sĩ, trong đó duy nhất bức Mèo đỏ là thật.
Thông tin về các bức tranh của Bùi Xuân Phái được đăng trên trang web của Sotheby's. |
Việc xác định tranh thật hay giả theo họa sĩ Bùi Thanh Phương là không khó đối với những người có chuyên môn và am hiểu phong cách của Bùi Xuân Phái. Anh khẳng định: “Sai lầm cơ bản của người chép tranh là không hiểu đặc trưng tranh Bùi Xuân Phái. Tranh ông có tính khái quát cao. Ông không cần mô tả những chi tiết lặt vặt như mắt mũi mồm, vì thế nhiều bức mang vẻ cô hồn, liêu trai”. Anh ví dụ, bức chèo thứ hai vẽ 3 diễn viên, người cầm quạt, người đang soi gương sửa tóc được làm giả ở chỗ, nó không sao chép theo một bức nào nhất định của Bùi Xuân Phái mà được mô phỏng lắp ghép từ 3 bức riêng lẻ của cụ. Bùi Xuân Phái vẽ chèo, vẽ phố, người làm giả cũng có thể vẽ chèo, vẽ phố, đó là đề tài, là motif có thể bắt chước, nhưng nhại phong cách của cụ, theo anh Phương, là không dễ. Đó là chưa kể đến kỹ thuật trong khi vẽ - vốn là bí quyết của từng người - không phải ai cũng biết. Vì vậy, con trai họa sĩ cho rằng, người trong giới chỉ cần nhìn qua, sẽ biết đâu là thật, đâu là giả. "Có điều, các nhà sưu tập nước ngoài, do ít được xem tranh thật của cụ Phái hoặc quá tin tưởng vào danh tiếng của Sotheby's chăng, nên đã mua phải đồ dởm", họa sĩ Phương phỏng đoán.
Bức tranh giả "Chèo" do Sotheby's đấu giá hôm 6/10 được anh Phương cho là mô phỏng từ 3 bức tranh phía dưới của Bùi Xuân Phái. |
3 bức riêng lẻ của Bùi Xuân Phái bị mô phỏng. |
Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - cho biết, sau khi xem các bức tranh được đăng tải trên mạng, ông cũng ngờ ngợ, nhận ra một số đường nét, hình ảnh không phải là của cụ Phái. Riêng bức Trước giờ biểu diễn được bán với giá 124.216 USD hôm 8/4 chắc chắn là tranh giả vì họa phẩm thật hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. “Tôi biết vì năm 1984, chính Hội Mỹ thuật đã trao bức này, cùng với bức Ban nhạc công chèo cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”. Bức nguyên gốc có khổ 60 x 80 cm còn bức tranh được rao bán khổ 50 x 64,5 cm.
Ngoài Bùi Xuân Phái, nhiều họa sĩ khác ở VN cũng bị chép tranh, làm giả tranh. Thực trạng này khiến nhiều người băn khoăn về nguồn gốc những bức tranh giả. Họa sĩ Bùi Thanh Phương lý giải: “Việc chép tranh thì ở nước nào cũng có. Có thể, ban đầu, chép tranh chỉ nhằm mục đích chép chơi, chép để học, để tặng nhau thôi. Nhưng do không am hiểu nên có thể có người hồn nhiên mang đi bán. Hoặc cũng do các nhà sưu tập nhỏ lẻ ở nước ngoài sang Việt Nam mua tranh giả với giá rẻ mạt và về nước bán rất đắt vì không ai biết đó là sản phẩm nhái”. Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng thế kỷ 20 bị rao bán ồ ạt thời gian qua, anh không loại trừ trường hợp có hẳn một đường dây chuyên sao chép tranh giả để cung cấp cho các đầu mối ở nước ngoài. Hậu quả nhãn tiền của hiện tượng này là sự mất giá của tranh Việt, của cả nền hội họa Việt Nam, chứ không riêng gì đối với tranh Bùi Xuân Phái. Do bị bán tranh giả, lại là tranh chép một cách cẩu thả, tác phẩm của cụ Phái ngày càng mất giá trên thị trường. Uy tín của ông chắc chắn bị giảm sút. Hơn nữa, Bùi Xuân Phái được coi là một trong những cái đỉnh của hội họa Việt Nam. Nếu các nhà sưu tập nước ngoài chỉ được chiêm ngưỡng “cái đỉnh” đó qua những tác phẩm giả hiệu, giá trị của cả nền hội họa ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế này đã khiến cho họa sĩ Bùi Thanh Phương và những người yêu tranh cụ buồn lòng.
Nguyên gốc bức Trước giờ biểu diễn... |
... và bức tranh giả được Sotheby's đem ra đấu giá hôm 8/4. Ảnh tư liệu. |
Vì vậy, con trai cố họa sĩ muốn theo đuổi vụ kiện đến cùng, dù thắng hay thua, nó vẫn có ý nghĩa là phản ứng đầu tiên của Việt Nam đối với các vụ vi phạm bản quyền có quy mô quốc tế. Hiện tại, anh đã mời Henry Gallagher - một luật sư người Mỹ rất mê tranh cụ Phái - làm cố vấn trong vụ việc này. Trong tháng 11, Gallagher sẽ sang Việt Nam để xem xét cụ thể công việc. Nếu ông nhận lời, Bùi Thanh Phương sẽ khởi kiện. Ông Trần Khánh Chương khẳng định: “Hội Mỹ thuật Việt Nam ủng hộ việc làm của gia đình, lên án hiện tượng sao chép tranh, làm giả tranh, bán tranh giả vi phạm bản quyền. Hội đứng về phía hội viên và sẽ giúp đỡ về mặt tinh thần nếu vụ kiện xảy ra”.
Ông cũng cho biết, một khi đã khởi kiện, chúng ta sẽ phải tuân thủ luật quốc tế. Theo đó, chi phí theo đuổi vụ kiện sẽ không phải là nhỏ. Ở các nước, việc thẩm định tranh giả hay thật do các viện giám định thực hiện. Từ bức tranh giả, họ sẽ phân tích xem màu của tranh có phải được sản xuất từ đầu thế kỷ 20 hay không, giấy, lụa của tác phẩm được sản xuất từ thời nào… Ngoài ra, cũng có thể giám định chữ ký của tác giả tại các bức tranh. Đó chính là căn cứ để xác định xem liệu Sotheby's có mượn danh Bùi Xuân Phái để rao bán các bức tranh chép hay không.
Sotheby's được thành lập từ năm 1744, là một trong những nhà đấu giá lớn nhất trên thế giới với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Bắt đầu từ việc tổ chức đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, Sotheby's dần dà mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác và có chi nhánh tại nhiều nơi trên thế giới như: Mỹ, Pháp, Hong Kong… Các đại gia sưu tập trên thế giới hầu hết tham gia vào công việc giao dịch mua và bán với Sotheby's. Tuy nhiên, đến nay, hầu như chưa có cá nhân, tổ chức Việt Nam nào tham gia vào sân chơi quốc tế này. Hong Kong và Singapore là hai thị trường tranh lớn nhất của hội họa Đông Nam Á. Mỗi năm hai lần, các nhà đấu giá lớn của thế giới như Sotheby's và Christie's tổ chức mua bán tranh của các tác giả khu vực này tại đây. |
Hà Linh