Trong đơn "xin đặt tiền để đảm bảo", anh Tuấn bày tỏ mong muốn các cơ quan tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) - bị can vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là lần thứ hai anh Tuấn xin cho mẹ được tại ngoại.
Theo anh Tuấn, bà Hằng "hội đủ các điều kiện" theo Điều 7 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 7/8/2018 (có hiệu lực từ ngày 20/9/2018) được áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền bảo đảm để thay thế biện pháp "tạm giam" quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Cụ thể là bà Hằng phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án, có địa chỉ cư trú rõ ràng; trước khi bị bắt có nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cơ quan nhà nước, nhiều tổ chức xã hội về hoạt động từ thiện.
Anh Tuấn cũng cho rằng, hành vi của bà Hằng không thuộc các trường hợp "không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm". Bởi trong quá trình điều tra (từ ngày bị bắt đến nay) bà Hằng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhận thức được sai phạm và cam kết không tái phạm. Ngoài ra, bà Hằng đang không khoẻ, phải điều trị nhiều bệnh, thường xuyên phải uống thuốc. Bà còn phải chăm sóc mẹ hơn 90 tuổi cùng 2 con nhỏ; là người điều hành hoạt động doanh nghiệp với rất nhiều người lao động.
"Mẹ tôi nhiều lần viết đơn xin được tại ngoại để điều trị bệnh và cam kết không tái diễn hành vi live stream trên mạng xã hội...", anh Tuấn nêu trong đơn, đồng thời xin được đặt số tiền bảo đảm là 10 tỷ đồng để bà Hằng được thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại đến khi kết thúc vụ án.
Đây sẽ là số tiền nộp để bảo lĩnh tại ngoại lớn nhất từ trước đến nay được công bố.
Theo luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP HCM, đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam được quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, cơ quan điều tra, VKS, tòa án có thể quyết định cho bị can hoặc người thân của bị can được đặt tiền để bảo đảm.
Về mức tiền nộp để được tại ngoại, căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC, các cơ quan tố tụng sẽ quyết định nhưng không dưới 30 triệu đồng đối với tội ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội rất nghiêm trọng; 300 triệu đồng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. "Bà Hằng bị Công an TP HCM tạm giam theo Điều 331 Bộ luật Hình sự - là tội phạm nghiêm trọng, thì mức đặt tiền tối thiểu 100 triệu đồng. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn đề nghị của ông Tuấn và các giấy tờ có liên quan, cơ quan tố tụng đang thụ lý vụ án có trách nhiệm xem xét", luật sư Mạch cho biết.
Theo đó, nếu thấy bà Hằng có đủ điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan đang thụ lý sẽ ra thông báo cho bị can, người thân hoặc người đại diện để làm thủ tục; trường hợp bà này không đủ điều kiện thì phải thông báo bằng văn bản cho người đề nghị biết, trong đó nêu rõ lý do.
Về điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền, ngoài việc căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; tình trạng tài sản, nhân thân thì bị can phải có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu, tố giác đồng phạm; có tình tiết giảm nhẹ như: tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong việc phát hiện tội phạm, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại...
Cơ quan tố tụng đang thụ lý vụ án phải có căn cứ cho thấy bị can tại ngoại không gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì có thể quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Bị can, bị cáo bắt buộc phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ như: phải có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Nếu vi phạm, họ sẽ bị tạm giam và số tiền đặt bị tịch thu, nộp ngân sách.
Ngoài ra, người thân thích của bị can, bị cáo cũng phải làm giấy cam đoan không để người này vi phạm các nghĩa vụ nêu trên, nếu vi phạm thì số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.
Bà Nguyễn Phương Hằng trước đây có tên Nguyễn Thị Thanh Tuyền, là vợ của doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng "Lò Vôi"), có quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Cyprus. Hồi tháng 3, bà này bị bắt với cáo buộc lợi dụng sức ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi livestream trên Youtube, Facebook, TikTok nói nhiều nội dung sai sự thật, sử dụng ngôn từ "mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm" của những người liên quan.
Tại địa bàn TP HCM, bà Hằng bị cho là xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh)... Quá trình điều tra, bà Hằng thừa nhận các thông tin nói về những người này là do mình "nằm mơ", lấy trên Internet và chưa được kiểm chứng.
Nhà chức trách xác định hành vi của Hằng là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Bị can là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội... cần phải được xử lý nghiêm.
Hồi đầu tháng 9, VKSND TP HCM đã trả hồ sơ cho công an cùng cấp để điều tra bổ sung, xem xét vai trò đồng phạm của một số người.
Ngoài ra, với hành vi tương tự, bà Hằng bị Công an Bình Dương đề nghị truy tố về cùng tội danh. Mới đây, cơ quan tố tụng Bình Dương đề nghị nhập vụ án cho Công an TP HCM thụ lý để giải quyết triệt để, toàn diện.
Quốc Thắng