Tôi sống ở nước ngoài (Slovakia) và cũng có 1 cháu năm nay vào học lớp 1 (cháu đi học ở trường nhà nước, không phải trường tư hay quốc tế). Tôi thường hay đọc VnExpress.net và quan tâm đến việc học hành giáo dục tại Việt Nam. Tôi cũng đã học hết đại học ở Việt Nam và hiện các cháu tôi cũng đang học tiểu học ở Hà Nội.
Tôi rất cảm thông với suy nghĩ, lo lắng của các bậc phụ huynh có con bắt đầu đến trường (vào lớp 1) vì đây là bước khởi đầu rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời các cháu sau này. Tôi nhận thấy có rất nhiều điều khác nhau trong giáo dục tiểu học ở VN và ở đất nước mà tôi đang sống. Tôi xin chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe ở tại đây; hy vọng là các nhà chức trách - quản lý công tác giáo dục tiểu học ở Việt Nam để tâm đến và hãy suy nghĩ về thực trạng giáo dục tiểu học của nước mình.
1/ Khi con tôi đến trường khai giảng (chỉ khai giảng cho lớp 1), buổi lễ được bắt đầu với các nhân vật từ truyện cổ tích (như Nàng Bạch Tuyết, các chú Lùn, ông già Noel... do các anh chị lớp trên đóng) đến chơi cùng và chia quà cho từng cháu, dù chỉ là mấy cái kẹo nhưng các cháu rất thích; mỗi cháu được trao 1 cái thẻ tên + lớp 1: cháu nào cũng phấn khởi với cảm giác là thành người lớn. Sau đó được chú hề góp vui và chụp ảnh. Cô giáo chỉ làm quen rất nhanh và hỏi bạn nào có thể hát hay đếm đến 5, đến 10 để có thưởng kẹo :) các em thi nhau trổ tài và cô giáo nói sẽ cùng các em học để có thể tự đọc, tự viết... các em đều hào hứng lắm.
Một lễ khai giảng rất đơn giản và đậm chất trẻ thơ; không làm các em cảm thấy gò bó khi đến trường học và vẫn có cảm giác như được vui chơi ở mẫu giáo. Tuy nhiên lại khơi dậy được ý thức học tập để thành 1 người lớn (giỏi hơn các bạn mẫu giáo).
Tôi vẫn nhớ lễ khai giảng ở Việt Nam mang tính gò ép quá; học sinh phải ngồi yên dưới trời nắng hoặc rét để nghe bao nhiêu người phát biểu; từ đại diện của Bộ, ngành giáo dục; hiệu trưởng, hiệu phó.... sau đó xem vài tiết mục văn nghệ là hết.
2/ Buổi họp phụ huynh đầu tiên cô giáo nhấn mạnh gia đình không được ép con học ở nhà nhiều; không được nặng lời khi dạy các cháu và không được mong mỏi con mình phải học giỏi, viết đẹp (thậm chí cô giáo nói viết đẹp hay không là còn do gene nữa :) ) Cô giáo không giao bài tập về nhà trong 3 tháng đầu và không cho bài tập về nhà vào thứ 6 để gia đình được nghỉ ngơi cuối tuần vui vẻ.
- Cô yêu cầu mang một cái gối đến lớp để khi học mà mệt thì cho nằm ra để nghỉ hoặc vừa ngồi trên gối nghỉ vừa học.
- 2 tháng đầu tiên các cháu được mang đến lớp 1 thứ đồ chơi yêu thích để có thể chơi cho khỏi bị cảm giác gò bó.
- 1 tháng đầu bố mẹ được đưa con vào tận lớp, giúp con thay đồ và ổn định chỗ ngồi nhưng sau đó bố mẹ chỉ được đưa con đến cổng trường.
Tôi thấy những việc này rất khác so với ở Việt Nam và có hiệu quả rất tốt với các cháu lớp 1 và cả bố mẹ nữa, các anh chị nghĩ sao ạ?
3/ Về cách học trên lớp:
- 3 năm đầu ở tiểu học, các cháu sẽ học viết chữ với kích cỡ rất to; sang năm lớp 4 mới viết cỡ chữ thông thường.
- Năm đầu tiên yêu cầu chỉ là nắm được bảng chữ cái và phát âm được một số câu đơn giản; về toán chỉ là các phép tính đến 10 và tư duy logic.
- Sách vở của các cháu chủ yếu là hình vẽ ; học bằng cách tô màu và hình ảnh.
Ví dụ: hình con gà sẽ là gắn với chữ G; hình tàu hỏa sẽ là chữ T..hoặc tập phát hiện các hợp âm bằng hình ảnh. Các cháu chủ yếu là dùng bút màu để tô chữa, tô hình khi học.
- Về nội dung sách giáo khoa của các cháu lớp 1 bên này cực kỳ khác với SGK lớp 1 ở VN vì hè vừa rồi tôi cũng mang SGK lớp 1 ở VN sang để dạy con tiếng Việt (loại mới nhất bán ở Tràng Tiền). Tôi thiết nghĩ SGK cải tiến phức tạp mà chẳng thống nhất gì cả nên rất khó dạy. Phải chăng mình nên tham khảo cách dạy của các nước khác?
- Cơ cấu môn học của học sinh lớp 1 bên này cũng rất hợp lý (điều này tôi không chắc hiện ở Việt Nam ra sao chứ thời tôi đi học cấp 1 và cả cấp 2, 3, chỉ toàn học lý thuyết, chứ các môn thủ công, hát, múa... quá ít và hầu như chẳng mang lại kiến thức gì - Ví dụ như thế hệ người VN từ tôi trở về trước chẳng mấy ai biết vẽ vời, nhạc họa, lại càng thiếu kiến thức xã hội).
- Thời khóa biểu lớp 1 hàng ngày đều có tiết học toán và phát âm. Ngoài ra là học viết. Còn lại chia đều các môn học về thiên nhiên, vẽ, nhạc , thể dục.
Sau 1h chiều các cháu sẽ được chơi như ở mẫu giáo; được ngủ (thời gian đầu cô giáo cho đi ngủ trưa để khỏi mệt).
- Lớp 1 không cho điểm mà thay bằng hình ảnh để khen chê. Ví dụ hình con ong là học chăm ngoan; hình con gấu là học lười... nếu hư trên lớp là cô cho 1 chấm đen...) như vậy tự các cháu (nhất là bố mẹ) hiểu được thái độ học và kết quả của cháu ra sao.
- Mỗi cháu có 1 quyển sổ liên lạc để cô giáo viết liên lạc với gia đình từ việc học hành, nhắc nhở, nội quy... vì cháu lớp 1 không thể nắm được hết những điều cô căn dặn.
- Ngoài giờ học, các cháu được chơi với các anh chị lớp lớn trong các tiết học ngoại khóa như thể thao, khéo tay, bóng bàn, cầu lông... do các cháu bé quá nên một số môn thể thao chưa thể tham gia thì sẽ làm cổ động viên.
- Mỗi lớp học từ 20-30 cháu gồm 1 cô giáo và một cô bảo mẫu (chăm sóc về ăn uống, vui chơi...)
Với cách dạy và học như vậy, con tôi rất vui vẻ đến trường. Hàng sáng, cháu thích đến lớp và mỗi chiều về đều nói với tôi là ở lớp rất vui. Thậm chí cháu không muốn mẹ đón về sớm hơn các bạn : ). Quả thật tôi rất mừng và nhẹ cả người khi thấy cháu hăng hái và thoải mái đến lớp như thế, cháu vẫn hiểu được là cần phải học, phải hoàn thành các bài tập được giao và vẫn được chơi; được biết nhiều thứ thú vị hơn là đi mẫu giáo.
Tôi nghĩ quan trọng nhất là chúng ta nên giảm bớt các yêu cầu đối với giáo dục; nhất là tiểu học. Lớp 1 là để tập viết, tập đọc chứ sao lại yêu cầu cháu vào lớp 1 đã phải đọc thông viết thạo? Như vậy cả cô giáo, gia đình và các cháu sẽ bớt gánh nặng, thoải mái tâm lý để cùng nhau đến trường. Hãy làm nhà trường thành tổ ấm thân yêu của các cháu, chứ đừng biến thành đấu trường để tranh dành thắng thua.
Kính mong các vị trong ngành giáo dục nên xem xét.
Người gửi: Nguyen The Anh,
Đọc tiêu đề bài viết của chị, tôi cứ nghĩ chị đang ở Việt Nam và làm tôi ngạc nhiên quá. Đây thật sự là một cách làm hay, mang tính vui chơi, thoải mái, tương tác rất nhiều và kích thích trẻ đến trường trong khi hiệu quả giáo dục cũng rất thành công.
Tôi nghĩ ở ta, giáo viên cũng có nhiều người đồng tình với phương pháp đó nhưng ngặt nỗi họ phải theo giáo án, theo chỉ đạo của phòng, sở, bộ giáo dục mất rồi. Hơn nữa họ cũng buộc phải theo sách giáo khoa nên không còn sự lựa chọn nào khác.
Theo tôi, trong khi chờ đợi cải tiến (chứ không phải cải lùi bằng cách yêu cầu quá cao ở một trẻ 6 tuổi), nhà trường là đơn vị sát với học sinh nhất nên nhất thiết phải tăng cường các hoạt động ngoại khoá và các môn học mang tính tương tác để trẻ tự tin hơn khi tới trường.
Tôi cũng nghĩ chúng ta chúng ta đã tranh luận quá nhiều về vấn đề có nên cho trẻ đi học trươcs hay không, câu trả lời các nhà tâm lý cũng như chuyên gia giáo dục tiểu học là không. Nhưng những người có trách nhiệm vẫn để tình trạng này xảy ra: cụ thể là giáo trình quá nặng, nếu không đi học thì không theo được, còn theo được thì những gì học được cũng rất ít tác dụng thực tiễn.
Theo tôi những người biên soạn sách giáo khoa đã không tham khảo những chuyên môn khác, không hiểu vì lý do gì. Chúng ta cần hợp sức viết một bức thư gửi lên Bộ Giáo dục để họ trả lời chính thức xem có phải cho trẻ học trước khi vào lớp một hay không chứ tôi thấy Bộ Giáo dục hầu như im lặng về chuyện này. Nếu không nên cho trẻ học trước thì cũng nên có những chiến dịch tuyên truyền các phương tiện thông tin đại chúng, không nên để phụ huynh lo lắng gây ra tình trạng cả xã hội phải chạy đua với những người cho con đi học trước.
Vài điều ngắn gọn tâm sự cùng bạn đọc và mong được tiếp tục trao đổi cùng quý vị.
Người gửi: Yến Nhi,
Nghe bạn Vân kể về cách giáo dục và cách giúp cho các em nhỏ bắt đầu vào lớp một tiếp cận và hứng thú với việc đi học, tôi thực sự cũng khao khát nước ta cũng có được môi trường sư phạm như vậy.
Thiết nghĩ, cách thức này cũng không phải là khó để mà chúng ta không thể làm được. Các vấn đề xã hội được bàn luận gần đây các bộ ngành cũng thường hay so sánh nước ta với một số nước khác, nêu lên những cái hay mà nước ngoài đã áp dụng và đã thành công để làm điển hình nhằm mục đích thuyết phục và vận động người dân ủng hộ kế sách mình đưa ra.
Tương tự vậy, giáo dục, một vấn đề xã hội luôn được mọi người quan tâm, cũng cần được học tập và thay đổi theo những điều hay từ nước ngoài. Việc thay đổi cách thức truyền đạt những kiến thức ban đầu và cách các em tiếp cận môi trường học tập không đơn giản là chỉ làm giảm áp lực, giảm gánh nặng cho giáo viên, học sinh và phụ huynh mà nó còn giúp ích cho xã hội trong tương lai.
Mong các bộ ngành có liên quan nghiên cứu và thay đổi cho phù hợp với sự phát triển thể chất, tinh thần và trí óc của các em. Hãy giúp cho các em hứng thú và tự nguyện với việc học. Các em bước vào lớp một là để bắt đầu học chữ chứ không phải các em bước vào lớp một là để đem lại thành tích hay danh dự thi đua cho nhà trường.
Người gửi: Đặng Thanh Phương,
Đọc bài này lại nghĩ thương trẻ em Việt Nam quá.
Từ trước đến nay, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, các cháu phải học quá nhiều. Mặc dù chủ trương là giảm tải, cô giáo không cho bài về nhà nhiều, song một phần bố mẹ cho cháu đi học thêm, một phần sợ con không theo kịp bắt học lại, học trước, nên cuối cùng vẫn nhiều bài.
Thêm nữa là bệnh thành tích. Khai giảng thì đọc diễn văn, các cháu ngồi toát mồ hôi mồ kê mà không hiểu gì, vào lớp thì chân ướt chân ráo đã bắt phải viết chữ đẹp, biết làm toán. Nếu so trình độ trẻ em lớp 1 của VN với trẻ nước ngoài thì trẻ Việt Nam biết nhiều quá. Tuy nhiên, hỏi cháu có thích đi học không thì chắc là không. Mặc khác kiến thức âm nhạc, họa, xã hội kém. Học vệ sinh thân thể nhưng đánh răng thế nào là đúng lại không biết, học đạo đức nhưng thế nào là nhường nhịn không biết, đơn giản vì bài học khó hiểu, hình thức.
Con tôi năm nay 2 tuổi, nghĩ không biết 4 năm nữa có thay đổi gì không? Hay tiếp tục guồng quay học hành nặng nề này. Nhưng tự hứa với mình sẽ không bắt con học chữ trước khi vào lớp 1, không bắt con học thêm nhiều và không tạo áp lực vì điểm.
Người gửi: Do Thi Thuy Hang,
Bài viết rất hay, đáng để ngành giáo dục của chúng ta học hỏi.
Người gửi: Lê Hải Phương,
Môi trường học của con chị quả là lý tưởng và phù hợp với tâm tư nguyện vọng của các phụ huynh đang có con học lớp 1 như chúng tôi. Mong rằng những tâm thư như thế sẽ được các vị trong ngành giáo dục đọc được. Quả thật là thương quá khi các con còn nhỏ mà phải gò ép học. Không biết các vị cải cách có con cháu học lớp 1 không? Mong lắm thay nếu các vị dành chút thời gian đọc được bài viết này.
Người gửi: Thanh Long,
Tác giả bài viết thân mến . Tôi chân thành cảm ơn bạn. Bạn đã cho chúng tôi một thực cảnh về học tập của trẻ em ở nước ngoài rất tốt đẹp và có thể áp dụng rất phù hợp tại Việt Nam. Bạn đã rất tâm huyết với nền giáo dục của Việt Nam. Bạn rất có tình thương và rất hiểu tâm lý của trẻ em nhất là trẻ em ngày đầu tiên đến trường. Tôi mong rằng, bài viết của bạn được các cấp các ngành của Bộ Giáo dục xem và suy ngẫm và áp dụng. Như vậy nền giáo dục sẽ phát triển nhiều và trẻ em sẽ thông minh hơn, sẽ yêu thầy cô hơn, sẽ thấy cuộc sống luôn luôn vui vẻ. Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Vì bây giờ các em đến trường trong tâm trạng quá tải, cứ thẫn thờ sau mỗi ngày đi học về. Khổ thân các em quá. Hãy thương lấy các em, trả lại tuổi thơ cho các em. Đừng bắt các em 5, 6 tuổi phải có những lo toan như người lớn 50, 60 tuổi. Tôi vẫn nhớ câu thơ: "Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ở biết học hành là ngoan".
Người gửi: Tô Ngọc,
Cảm ơn Lê Hải Vân. Đọc bài của bạn tôi cảm thấy bạn như nói hộ tâm tư của tất thảy mọi phụ huynh nước nhà.
"Kính mong các vị trong ngành giáo dục xem xét".
Vâng, việc giảm tải cho các cháu lớp 1 là do các vị quyết định. Việc quyết định sớm của các vị sẽ làm cho bao con người đỡ vất vả. Cái sự vất vả không cần thiết đó.
Các cháu bước vào năm học đã được 8 tuần. Trong 4 tuần đầu tôi cũng không ép cháu phải học bài về nhà. Nhưng không học thì không theo được chương trình , thế là sang tuần thứ 5. Tối tối hai mẹ con lại cặm cụi học bài.
Bất chợt, đang ngồi học con tôi ngẩng lên rồi nói: "Mẹ ơi, sao mắt mẹ đỏ thế..."
Có lẽ sau 1 ngày làm việc ở công ty, tối lại căng mắt cùng con học bài nên mỏi mắt thật. Đến khi nhìn lại con thì đôi mắt của con cũng từng tia tia đỏ. Thật xót xa khôn cùng.
Hỡi ngành giáo dục Việt Nam, hãy cho con trẻ một tuổi thơ vui tươi. Thời gian của các cháu còn rất dài, 12 năm học phổ thông và còn bao năm học tiếp sau nữa.
Xin đừng cho chương trình quá nặng khi các cháu còn non nớt.
Người gửi: Mot phu huynh co con hoc lop 1,
Tôi cũng có một cháu nhỏ năm nay vào lớp một. Cả ngày cháu học bán trú ở trường, tối về hai mẹ con lại phải cùng nhau học đến 10h tối vì nếu không học thì sẽ không làm xong bài tập cho ngày mai. Tôi có muốn cho cháu nghỉ ngơi thì cháu cũng không dám, vì sợ mai đến lớp không có bài. Các cháu học tập ở cấp tiểu học, và đặc biệt là các cháu học lớp một ở Việt Nam có bị thiệt thòi quá không? Xin các nhà giáo dục hãy cho tôi một câu trả lời. Ước gì con tôi cũng có được một môi trường học tập như vậy.