Người gửi: Hồng Vân
Tôi thật thông cảm với tâm trạng của bạn Minh Hiếu vì con tôi cũng đã từng bị cô giáo dùng những từ không phù hợp với môi trường sư phạm để "răn dạy".
Tôi có 2 cháu đang đi học, lần đầu tiên tôi bị rơi vào hoàn cảnh như bạn là cách đây hơn 4 năm, khi cháu đầu vào học lớp 6. Vừa khai giảng được một tuần tôi đã thấy con tôi có biểu hiện chán nản, không muốn đến lớp, tôi gặng hỏi thì cháu nói là không muốn đi học vì rất sợ đến giờ dạy của cô chủ nhiệm (cô dạy môn Địa lý) và giờ sinh hoạt lớp vì cô thường xuyên đay nghiến học sinh, và có thể mắng suốt cả tiết học.
Lúc đó tôi đã mắng con mình vì nghĩ rằng cháu đã không biết tiếp thu ý kiến của cô, không ngoan nên mới bị cô mắng. Từ bao lâu nay tôi đã bị quen với ý nghĩ là có thương con mình thầy cô mới mắng mỏ. Nhưng đến buổi họp phụ huynh đầu năm, tôi bắt đầu thấy lo lắng.
Vì mới là buổi họp đầu tiên, lúc đó cô trò mới có một tháng làm quen, phụ huynh mới lần đầu giáp mặt giáo viên chủ nhiệm vậy mà cô giáo đã sa sả gần một tiếng trên bục để răn dạy chúng tôi về cách giáo dục con em mình nếu không thì "ở nhà các vị cứ tưởng con mình là ngoan là giỏi giang lắm, nhưng không cẩn thận thì chẳng ra gì cả đâu", hình như cô nhầm chúng tôi là học sinh của cô?
Chưa hết, sau đấy một tháng, con trai tôi phạm lỗi, cũng 3 bạn khác đá bóng trong lớp vào giờ nghỉ (một cháu khác mang bóng đi để hết giờ ra sân thể dục đá vì hôm ấy các cháu học ít tiết, nhưng giờ nghỉ không kìm được 4 đứa đã mang bóng ra để đá cho nhau từ đầu lớp đến cuối lớp).
Con tôi sai, tôi luôn biết vậy, cháu đã vi phạm nội quy của nhà trường. Tôi đã phải ngồi nói chuyện với cháu và cháu cũng biết là mình sai và hứa không tái phạm. Nhưng hôm sau cô giáo chủ nhiệm mời tôi đến gặp. Tôi đã định đến để xin lỗi cô và mong cô tha thứ cho cháu lần đầu, nhưng tôi không có cơ hội mở miệng. Cả đời tôi đi học, đi làm chưa bao giờ bị "mắng" thê thảm đến thế.
Sau khi "dạy dỗ" tôi đến nơi đến chốn cô kết luận: Anh này (con trai tôi) thuộc loại khó giáo dục, không khéo thì rồi chẳng ra gì, gia đình liệu mà dạy dỗ đừng đổ hết cho nhà trường... Nào tôi có dám đổ cho ai đâu. Tôi đứng dậy ra về, nước mắt lưng tròng và không nói nổi lời xin lỗi nữa.
Sau sự việc đó, tôi thường xuyên quan tâm và hỏi han con tôi về những chuyện ở lớp và biết rất nhiều bạn gái của cháu đã phải khóc trong các giờ sinh hoạt lớp vì bị cô sỉ nhục. Cuối cùng, tôi buộc phải chọn giải pháp là xin cho cháu chuyển trường để thay đổi môi trường sư phạm và cũng từ đó con trai tôi không còn thái độ bất cần và chống đối khi đến lớp nữa.
Mới năm ngoái đây, tôi lại bị vấp lần nữa, lần này là cậu thứ 2. Cháu này ngoan, học giỏi, có bản lĩnh, rất tự tin và được làm lớp trưởng. Mấy năm đi học cháu luôn được khen thưởng, được các cô đánh giá cao về ý thức học cũng như khả năng làm cán bộ lớp.
Vậy mà một lần đi học về tôi thấy cháu không vui, và nhìn mặt cháu hình như là đã khóc, tôi gặng hỏi thì cháu nói là bị cô mắng là đồ bị thịt, vô tích sự. Hỏi kỹ lại thì ra là trưa hôm đó cô chủ nhiệm có việc bận nên cô giáo khác lên trông thay, sau giờ ăn trưa khi con tôi đi đôn đốc các bạn về chỗ nằm ngủ (các cháu học bán trú) thì có một số bạn mất trật tự và cô cho rằng con tôi chưa làm tròn trách nhiệm nên đã mắng cháu như vậy.
Chỉ một lời nói ấy thôi mà con trai tôi đã rất buồn, cháu đã khóc và về nhà khăng khăng bảo mẹ gọi điện thoại cho cô để cháu thôi không làm lớp trưởng nữa. Tôi đã phải khuyên nhủ, an ủi cháu rất nhiều và sau đó nói chuyện lại với cô chủ nhiệm để giải quyết vấn đề tâm lý cho cháu. Vậy mà sau đó một thời gian cháu vẫn hỏi tôi: "Con có bị thịt không mẹ?"
Tôi không hiểu 2 cô giáo của các con tôi có suy nghĩ gì khi có cách ứng xử như vậy với học sinh? Đó có phải là cách để dạy dỗ các con nên người. Nếu phải tiếp xúc với các giáo viên như vậy trong 12 năm học thì sau này các cháu sẽ trở thành những công dân như thế nào đây?
Tôi không biết hằng ngày có bao nhiêu đứa trẻ bị rơi vào hoàn cảnh như vậy. Thiết nghĩ, tội nhục mạ học sinh cũng không kém gì tội xâm phạm thân thể các em cả vì xâm phạm về tinh thần đôi khi để lại hậu quả cũng rất khó lường.
Tôi cũng như bao bậc phụ huynh khác mong ngành giáo dục có biện pháp giáo dục lại những thầy cô còn có những cách ứng xử sai với học trò, có cách nhận được thông tin nhanh nhất từ phía các con để biết chúng được cư xử như thế nào trên lớp.
Hãy để môi trường giáo dục thực sự trong lành cho mầm non của đất nước có thể phát triển tốt nhất.