Trao đổi với VnExpress, đại tá Trần Công Hiểu, Phó chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu cho biết, tàu khách gặp nạn là 1 trong 2 chiếc được xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro tài trợ cho Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây khoảng 4 tháng.
"Ngày 9/7, tàu H29 này bị trục trặc nên Bộ đội biên phòng đã trả lại cho đơn vị đóng tàu sửa chữa (công ty Cổ phần công nghệ Việt Séc) và hiện vẫn chưa nhận bàn giao lại chiếc tàu này", ông Hiểu nói. Việc vì sao con tàu này lại được nhóm công nhân của Công ty sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam sử dụng, ông Hiểu không nắm được.
Báo cáo của Cục Hàng hải cho hay, chiếc tàu khách H29 do Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam thuê của Công ty Việt Séc để chở công nhân đi Vũng Tàu, xuất phát từ thị trấn Vàm Láng (Gò Công Đông, Tiền Giang) lúc 17h30 ngày 2/8.
Trực thăng được điều động để tìm kiếm 9 người mất tích. Ảnh: Duy Công. |
Một nạn nhân đang nằm tại bệnh viện đa khoa Cần Giờ cho biết, trước đây, hàng tuần, các công nhân di chuyển từ Tiền Giang về Sài Gòn bằng ôtô. Tuy nhiên, cách đây vài ngày, do có sự kiện ở Vũng Tàu, công ty thuê tàu cho họ và lên danh sách công nhân tham gia. Hôm qua, sau hơn 3 tiếng rời Tiền Giang thì họ gặp nạn.
Trong khi đó, ông Trần Đăng Thuyết - Giám đốc công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam cho rằng, chuyến đi của đoàn cán bộ và công nhân của công ty không nằm trong lịch trình công tác mà do họ tự thuê tàu của một đơn vị vận tải để đi công việc cá nhân.
"Tôi không biết gì về việc ai thuê tàu, tàu thuê của ai. 12h đêm hôm qua tôi nhận được thông tin về vụ việc và ngay sau đó đã nhờ các lực lượng cứu hộ ra ứng cứu. Để hỗ trợ cho việc tìm kiếm, công ty mẹ là Tổng công ty khí Việt Nam đã thuê máy bay trực thăng ra hiện trường", ông Thuyết nói.
Thợ máy Nguyễn Văn Dương, thuộc công ty Việt Séc cũng không rõ nguồn gốc con tàu này. Anh chỉ biết được công ty điều đi theo tàu để bảo dưỡng máy. Đi được một đoạn đường khá dài, đã thấy được cột đèn Sao Mai ở Vũng Tàu rồi thì bị sóng lớn đánh khiến con tàu bị lật úp.
Trong khi đó, một đại diện của công ty Việt Séc cho VnExpress biết, con tàu đang trong quá trình bảo trì nhưng một nhân viên của công ty đã cho mượn tàu dùng vào việc riêng. "Người tự ý cho mượn tàu hiện ở hiện trường giải quyết vụ việc" vị này cho biết và từ chối tiết lộ danh tính người này.
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu khiến tàu bị chìm là do tàu chở quá tải.
Trên trang web của Công ty Việt - Séc, thông số của chiếc tàu khách H29 được nêu: tàu dài 8,5m, rộng 2,25m, với công suất 200CV có khả năng chở 18 người, được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, có tốc độ tối đa lên tới 60km/h, rất linh hoạt, khả năng chống lật rất tốt nên dễ dàng quay trở ở tốc độ cao. Đặc biệt, vỏ ca nô được chế tạo hai lớp và bằng vật liệu tổng hợp PPC (Polypropylen Copolymer) nhẹ hơn nước giúp cho ca nô không thể chìm.
Còn theo đại tá Hiểu, đơn vị ông gọi đây là ca nô tuần tra và không phải để chở khách nên chỉ có thể chở được khoảng 18 người. Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn ở sông Soài Rạp, chiếc ca nô này có đến 30 người.
Về việc cứu hộ cứu nạn bị cho là chậm trễ, ông Phạm Long Bào, Đồn trưởng Đồn biên phòng Long Hòa, Cần Giờ cho hay, sau khi nhận được thông tin vụ tai nạn, có 6 tàu cứu hộ của nhiều lực lượng gồm 70 người đã được huy động tìm kiếm các nạn nhân. Việc tiếp cận hiện trường mất nhiều giờ do biển đêm rất tối, trời lại đang mưa, sóng lớn, những người trên tàu không phát đi được tín hiệu nào vì tàu đã bị chìm.
"Rất may là trong quá trình mở rộng và chia nhau từng khu vực chúng tôi mới phát hiện được nơi tàu bị chìm. Lúc đó có 17 người đang đu vào dây ở mũi tàu, số còn lại thì không thấy", ông Bào cho biết.
Tối 2/8, con tàu khách mang số hiệu H29 chở 30 người của Công ty sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam trên đường từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu. Khi đi qua sông Soài Rạp thuộc Cồn Ngựa, Cồn Thu (Cần Giờ) thì gặp sóng lớn nên bị chìm. 21 người được cứu thoát. Trưa 3/8, thi thể đầu tiên được tìm thấy là một phụ nữ, 8 người khác vẫn còn mất tích |
Nhóm phóng viên