"Mặt hàng này bùng nổ tại Mỹ, đến mức muốn cũng không mua được. Tất cả đều cháy hàng. Tất cả đang tranh nhau để có một thiết bị", James Lin, nhà sáng lập BidetKing, nền tảng mua sắm các thiết bị nhà tắm, nói.
Cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh ở Mỹ trong giai đoạn phong tỏa do đại dịch Covid-19 hồi năm 2020 không còn, nhưng để lại tác động lâu dài đến ngành kinh doanh các loạt thiết bị xịt vệ sinh. Theo ghi nhận của Washington Post, trong khi nhiều người Mỹ hối tiếc khi mua nhiều mặt hàng gia dụng, thậm chí mua nhà, họ lại không hề hối hận khi lắp các thiết bị xịt rửa ở toilet.
Những người mua hàng thậm chí còn trở thành những "tín đồ" thực thụ, truyền đạt sự tiện lợi của các thiết bị xịt vệ sinh cho gia đình, bạn bè, góp phần giúp Mỹ bắt kịp phần còn lại của thế giới về sử dụng các thiết bị này.
Rosanne Orgill, sống tại Salt Lake City, mua ba thiết bị xịt rửa lắp trực tiếp vào bồn cầu năm 2020, sau khi chồng bà trở về sau chuyến du lịch qua hàng chục quốc gia và ca ngợi vòi xịt tuyệt vời đến thế nào.
"Thật kỳ lạ khi ở Mỹ lại không có những thiết bị này, vì thực sự không còn cách nào tốt hơn để tự làm sạch mình", bà Orgill nhớ lại lời chồng khi đó. Khi nhận thấy nguồn cung giấy vệ sinh ngày càng cạn kiệt, bà quyết định đặt hàng sau khi nhìn thấy quảng cáo.
Dù bà phải gọi thợ sửa ống nước vì gặp trục trặc sau khi tự mình lắp đặt thiết bị, bà hoàn toàn hài lòng về trải nghiệm sau đó. "Tôi phải lòng chúng. Tôi không hiểu sao mọi người có thể sống thiếu chúng", bà nói.
Tương tự bà Orgill, Ryan Deitsch buộc phải tìm phương án thay thế trước nguy cơ hết giấy vệ sinh trong mùa dịch năm 2020. Lớn lên tại Florida, gia đình anh từng nhiều lần tích trữ giấy vệ sinh trong mùa bão.
"Tôi đánh giá lại lựa chọn sống của mình, rằng có nhất thiết phải dùng giấy vệ sinh không? Đó có phải phương án tốt nhất, hay còn cách nào khác?", anh Deitsch chia sẻ về cân nhắc hồi đại dịch.
Sau 4 năm sử dụng thiết bị xịt, Deitsch tự nhận là "fan trung thành tuyệt đối". Anh cảm thấy sạch sẽ hơn, tiết kiệm tiền và giảm tác động đến môi trường hơn khi cắt giảm giấy vệ sinh. Deitsch hiện tìm thuê nhà ở New York. Anh cho hay một yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi lựa chọn nhà là liệu có lắp đặt được vòi xịt cho toilet hay không.
Trước đại dịch, Sydney Cano, sống tại bang Virginia, được một người bạn theo đạo Hồi khuyên sử dụng các thiết bị xịt rửa. Kinh Koran có hướng dẫn cụ thể về sự sạch sẽ và nhà vệ sinh ở các nước Hồi giáo có vòi xịt rửa.
Cano mua thiết bị xịt rửa gắn bồn cầu sau khi đại dịch bùng phát. Cô ước mình lắng nghe lời khuyên của người bạn sớm hơn. Cano sau đó thuyết phục thành công mẹ và bạn trai tạo thói quen giống mình.
"Cuộc sống của tôi thực sự thay đổi. Tôi không hề phóng đại, giờ tôi không thể sống thiếu nó suốt quãng đời còn lại", Cano bày tỏ.
Bất chấp làn sóng này, Mỹ vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia về mức độ sử dụng các thiết bị xịt vệ sinh, trong khi người Mỹ đứng đầu thế giới về mức sử dụng giấy vệ sinh tính theo đầu người.
4/5 các hộ gia đình Nhật Bản trang bị các hệ thống xịt rửa hiện đại ở bồn cầu. Năm 1975, Italy thông qua luật yêu cầu mọi cư dân phải có một chậu rửa vệ sinh riêng biệt. Hiện tại, các loại thiết bị, vòi xịt được tìm thấy trên khắp châu Á, Nam Mỹ, thậm chí châu Âu.
Trong khi đó, khảo sát năm 2023 của YouGov cho thấy chỉ 6% người trưởng thành Mỹ có sẵn các thiết bị này trong nhà. Nhưng khảo sát cũng cho thấy 41% người Mỹ quan tâm sở hữu một chiếc.
Lin, nhà sáng lập BidetKing, gần đây bán các sản phẩm thiết bị xịt rửa cho các khách sạn ở Mỹ, thậm chí cho các trạm nghỉ cao tốc.
Ông nhận thấy người Mỹ thay đổi thái độ rõ rệt đối với mặt hàng này và có xu hướng chia sẻ trải nghiệm nhiệt tình. "Họ không thể ngừng khoe với gia đình, bạn bè. Một khi đã thích, họ sẽ không bao giờ quay lại dùng giấy vệ sinh", ông nói.
Công ty khởi nghiệp Tushy chuyên các thiết bị xịt rửa vệ sinh tăng 5 lần doanh thu năm 2020, vẫn chưa có dấu hiệu chững lại 4 năm sau đó. Trong nhiều năm trước, Miki Agrawal, người sáng lập công ty, đã nỗ lực thuyết phục khách hàng rằng dùng giấy kém vệ sinh và đắt đỏ hơn, cũng như có thể làm trầm trọng một số bệnh mạn tính như nhiễm trùng đường tiết niệu và bệnh trĩ.
"Đến năm 2020, hàng triệu người mới đồng ý thay đổi, tất cả đều phát cuồng", Agrawal nói. Các loại thiết bị xịt rửa thậm chí trở thành quà tặng phổ biến, được tìm mua gấp 2-3 lần trong các dịp lễ.
Nicole Krawcke, tổng biên tập tạp chí Plumbing & Mechanical, cho hay ngành thiết bị vệ sinh đang tập trung phổ biến lợi ích của các loại thiết bị này đối với người cao tuổi và những người đi lại khó khăn.
"Những thiết bị này giúp giảm gánh nặng cho cả người chăm sóc và người cần chăm sóc, giúp họ đi vệ sinh dễ dàng hơn, không cảm thấy xấu hổ khi nhờ giúp đỡ", bà bình luận.
Trên tư cách nhà báo, bà từng mua một thiết bị về để "trải nghiệm và nghiên cứu". Thiết bị cho phép phun nước nóng, sưởi ấm chỗ ngồi. Sau ba năm, Kwacke vẫn sử dụng thiết bị này, khẳng định sẽ không bao giờ thay đổi.
Đức Trung (Theo Washington Post)