So với những bộ phim cổ trang, điều khác biệt trong khung cảnh này là Tiểu Phương không có mái tóc bạc trắng. Cô cũng không phải tu sĩ mà là một thanh niên hiện đại đến chùa để nuôi dưỡng tinh thần - cách mà cô gái 25 tuổi nói về hành động của mình.
Những người trẻ tuổi tìm đến chùa để tịnh tâm như Tiểu Phương giờ không hiếm tại Trung Quốc. Để thoát khỏi những lo toan của công việc và học tập, họ muốn tìm kiếm những nơi yên tĩnh và thanh tịnh trong thành phố nhằm thư giãn, chữa lành và thiền định. Sao chép kinh phật tại chùa được coi là một trong những hình thức tự chữa lành mà nhiều thanh niên lựa chọn.
Tiểu Phương bắt đầu làm việc này và nghe Chú đại bi từ tháng 9. Cô ví rằng, bản thân như sắp trở thành một người tu hành Phật giáo.
Tiểu Phương vừa vào năm thứ hai cao học ngành nông nghiệp và phải thực hiện một số nghiên cứu theo yêu cầu của giảng viên. Cô rất lo lắng và đã không hoàn thành kế hoạch.
"Một buổi sáng tôi phát hiện toàn bộ cá trong bể đều chết một cách bí ẩn", cô nói. Đàn cá này nằm trong công trình thử nghiệm và nghiên cứu của Tiểu Phương.
Những ngày sau, cô tập trung hết sức khắc phục hậu quả. Tình cờ nghe Chú Đại Bi, Tiểu Phương thấy tinh thần được xoa dịu nên bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về Phật giáo và được quảng cáo việc chép kinh phật cũng có tác dụng tương tự. "Nó không chỉ giúp tĩnh tâm mà còn có thể luyện tập thêm thư pháp. Một công đôi việc, thật hoàn hảo", cô gái Bắc Kinh nói.
Theo Tiểu Phương, có những câu từ trong Kinh Phật rất khó hiểu nhưng chép đi chép lại thì lạ cũng thành quen. Cô thích cảm giác được dùng ngòi bút màu vàng tô lại những nét chữ sẵn có. Việc này mang lại cho cô sự yên bình tuyệt đối bởi dù làm việc nhưng không phải suy nghĩ nhiều.
Trần Hoàng bắt đầu tập thiền khi có công việc đầu tiên, tính đến nay đã 10 năm.
Chàng trai 30 tuổi làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, do yêu cầu công việc nên thường xuyên thức khuya và làm thêm giờ. Trước đây Trần mắc chứng mất ngủ, càng nhiều tuổi triệu chứng càng trở nên nặng nề.
Tháng 6/2023, Trần Hoàng có kỳ nghỉ phép dài ngày và muốn tìm đến một nơi yên tĩnh để thư giãn. Anh chọn một ngôi đền ở Ấn Độ bởi nghĩ đây là đất nước sản sinh ra bộ môn yoga và thiền, giúp bản thân trở nên tĩnh tâm.
Những người trẻ như Trần tìm đến các đền chùa ở Ấn Độ với nhiều mục đích khác nhau. Một số đến điều trị về vấn đề tinh thần trong khi người khác chỉ muốn thư giãn và coi chuyến đi như một kỳ nghỉ. Trần Hoàng thuộc nhóm thứ hai.
"Bạn không cần phải biết quá nhiều về thiền trước đó bởi kỹ thuật rất đơn giản", Trần nói. Mỗi sáng, anh được nghe một vài bản nhạc êm dịu. Sau bữa trưa, mọi người tụ tập lại để cùng thiền. "Mọi thứ dễ dàng hơn khi nhiều người làm việc cùng nhau. Nếu thực hành thiền một mình sẽ chậm hơn", chàng trai Trung Quốc chia sẻ.
Lúc mới đến Ấn Độ, Trần khó tĩnh tâm mỗi khi ngồi thiền bởi trong lòng có nhiều tâm tư. Anh chưa biết cách đè nén suy nghĩ của bản thân và bị chúng cuốn đi. Sau đó thanh niên này học được cách suy nghĩ mọi việc dưới góc nhìn trung dung, những điều khó chịu trong lòng bắt đầu giảm dần.
Ngôi đền Trần học thiền có nhiều lứa tuổi, chủ yếu là người Ấn Độ. Tại đây, Trần Hoàng cũng gặp một chàng trai trẻ người Trung Quốc. Cả hai giống nhau khi thường xuyên thức khuya làm việc. Họ cùng trao đổi kinh nghiệm thiền định bởi đều cho rằng nó rất hữu ích trong cuộc sống.
Không chỉ Trần Hoàng hay Tiểu Phương, từ đầu năm 2023, rất nhiều người trẻ Trung Quốc đã đổ về các đền chùa nhằm tìm kiếm "nơi trú ngụ của tâm hồn".
Một dữ liệu của Ctrip-công ty du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc với hơn 300 triệu thành viên đăng ký cho thấy, số lượng đặt vé tham quan các danh lam thắng cảnh liên quan đến đền chùa năm 2023 gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một nửa số người đặt vé thuộc thế hệ Gen Z (nhóm sinh ra từ 1997 đến 2012), trở thành lực lượng chính thúc đẩy "cơn sốt du lịch đền chùa".
Theo thống kê của Ctrip, lượt xem tích lũy của các thuật ngữ "Sao chép kinh phật" và "thiền" trên mạng xã hội tại Trung Quốc đã lên tới ba tỷ lượt và số lượng lớn người dùng đã đăng tải những video như hướng dẫn tập luyện, trải nghiệm vlog cũng như tác dụng của thiền.
"Nhiều người trẻ cho rằng chỉ bằng cách này họ mới nhanh chóng thoát ra khỏi sự ồn ào, náo nhiệt và áp lực của thành phố để tìm kiếm mảnh đất thuần khiết cho riêng mình nhằm ổn định tinh thần", một bài viết trên Ctrip chia sẻ.
Trương Trúc Quân, phó giáo sư Khoa Di sản văn hóa tại Trường thiết kế và nghệ thuật thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết: "Hiện nay giới trẻ đang chịu áp lực từ học tập, công việc và cuộc sống. Dịch bệnh kéo dài ba năm đã gia tăng đủ loại áp lực. Họ cần một lối thoát để trút bỏ cảm xúc và đền chùa đã trở thành sự lựa chọn quan trọng để nuôi dưỡng tinh thần và giải tỏa căng thẳng".
Nắm bắt được xu hướng này, một số lượng lớn doanh nghiệp tại Trung Quốc đã tạo ra các sản phẩm trải nghiệm mang lại giá trị cảm xúc mới cho giới trẻ. Ví dụ như "Sao chép kinh phật" hay "Đọc kinh phật" lần lượt xuất hiện, trung bình 100 tệ mỗi lượt (gần 350.000 đồng). Hoặc như một phòng thiền chánh niệm ở Quảng Châu có các khóa học dao động 178-492 tệ (600.000 đồng-1,7 triệu đồng) mỗi giờ, thậm chí có những khóa học kéo dài 360 phút có giá 1.970 tệ (6,7 triệu đồng). Trong lời quảng cáo khóa học này, giáo viên ghi chú: "Là phương pháp điều trị lâu dài nên chi phí không rẻ".
Sự phát triển nhanh chóng của "nền kinh tế tĩnh tâm" minh họa cho sự hoang mang của giới trẻ Trung Quốc đương thời. Giống như Trần Hoàng, sau khóa học ở Ấn Độ, khi trở về Trung Quốc, anh không thể tìm được cảm giác an yên trước đây.
"Với lượng lớn khách du lịch đổ về đền chùa, khung cảnh đông đúc không thể khiến con người ta cảm thấy bình yên. Đôi khi mọi người chỉ thích đến đó để tạo dáng hoặc chụp ảnh", chàng trai 30 tuổi nói.
Sau nhiều năm thiền định, Trần cho rằng, giảm bớt công việc có thể là một sự buông bỏ để cơ thể tạm thời nghỉ ngơi. "Đó cũng như một cách trốn tránh hiện thực, còn tạm thời tôi chưa tìm được lối thoát", anh nói.
Trang Vy (Theo sohu, citinews)