Liu cầm chiếc túi xách tay trước bụng, đúng theo cách mà người trung gian đã dạy cô. Mặc dù cố gắng tỏ ra bình tĩnh, như bất kỳ quý cô giàu có khác ở Trung Quốc thường làm khi đi du lịch nước ngoài, trong lòng Li vẫn cảm thấy vô cùng sợ hãi. Cô đáp máy bay sang Mỹ với cái bụng bầu được giấu kín, hy vọng sẽ đẻ được một đứa con mang quốc tịch Mỹ.
Liu Li biết rằng, đi qua hải quan Mỹ đơn giản hơn rất nhiều so với công đoạn đi xin visa nhập cư vào Mỹ. Để xin được tấm visa du lịch, cô đã phải cẩn thận khi chọn quần áo, tập cách đi đứng, trả lời phỏng vấn. Không những vậy, cô còn phải học thuộc rất nhiều chi tiết liên quan đến thông tin khách sạn, các địa điểm du lịch nổi tiếng để có thể thuyết phục nhân viên sứ quán rằng cô chỉ như bao người phụ nữ Trung Quốc khác, đi sang Mỹ để du lịch và mua sắm.
Sinh con ở nước ngoài không còn là một đặc quyền chỉ dành cho các ngôi sao hay triệu phú. Một lượng lớn các gia đình trung lưu cũng mong muốn con mình có được một quyển hộ chiếu mà nó có thể tự hào.
"Lãi từ phi vụ đầu tư này còn cao hơn là đi cướp ngân hàng", nhân viên tư vấn nói với Liu.
Phụ nữ mang thai. Ảnh minh họa từ impactlab. |
Khi được đẻ ở Mỹ, các em bé nghiễm nhiên trở thành công dân Mỹ. Đến năm 21 tuổi, bố mẹ của các em cũng có thể nộp đơn xin thẻ xanh hoặc nhập quốc tịch.
Với những ai không muốn đi quá xa, Hồng Kông cũng là một địa điểm lý tưởng, bởi người cầm hộ chiếu vùng lãnh thổ này được đi đến trên 120 quốc gia mà không cần thị thực. Không những được hưởng lợi từ hệ thống đào tạo song ngữ ở đây, các em còn nhận được nhiều ưu ái khi nộp hồ sơ vào các trường đại học ở Trung Quốc.
Sau khi nghiên cứu và tham khảo một số công ty tư vấn, Liu Li đã chọn một công ty có tiếng. Vé máy bay, phí đỡ đẻ, phí chăm sóc trước và sau khi sinh lên tới 20.000 đô la Mỹ. Trong lúc đó, do đa số các hãng máy bay từ chối phục vụ khách có mang trên 32 tuần, Liu Li đã phải bắt đầu hành trình của mình khi chỉ có mang được 6 tháng, và sau đó ở lại tại một trung tâm đỡ đẻ cho phụ nữ Trung Quốc tại California.
Sau khi tới đây, Liu Li nhận ra rằng xung quanh khu vực cô đang ở là rất nhiều các trung tâm cho những phụ nữ Trung Quốc như cô. Việc đi lại của cô bị trung tâm giới hạn xuống chỉ còn 3 lần một tuần và mỗi lần chỉ được 3 tiếng. Các trung tâm như trên, nằm ở vùng biển với phong cảnh hữu tình miền tây nước Mỹ, thường hoạt động không giấy phép và luôn cố gắng nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Trong tháng 4 vừa qua, một số các trung tâm không giấy phép tại khu vực Los Angeles đã bị công an phát hiện và đóng cửa khiến cho Liu Li vô cùng lo lắng về tương lai của mình và con.
Quốc tịch không tương thích
Nghe chừng như có vẻ khó khăn, nhưng việc đi sang đất Mỹ, đẻ và mang đứa con trở về Trung Quốc trên thực tế được coi là khá dễ dàng. Công đoạn khó khăn và tốn kém hơn là khoảng thời gian nuôi lớn đứa trẻ sau đấy.
Theo cô Song Jingwen, vì con trai cô mang quốc tịch Mỹ, em không được phép đăng ký hộ khẩu theo mẹ và không được nhận vào trường tại Trung Quốc. Khi đăng ký học cho em, cô phải chấp nhận trả thêm phí áp dụng với người ngoại quốc. Hộ chiếu Mỹ cũng mang đến rất nhiều phiền toái về sau này, trong việc đăng ký bảo hiểm y tế.
"Một số phụ huynh chấp nhận đi làm giấy tờ giả cho con, hoặc qua mặt đại sứ quán Trung Quốc để lấy được hộ chiếu nước này cho con mình. Nhưng cũng vì vậy, họ không thể đi xin visa hoặc ra nước ngoài", Song giải thích. Cô vẫn đang phân vân không biết nên làm gì tiếp. Nếu như cô đăng ký một hộ khẩu giả cho con để việc đi học dễ dàng hơn, cô sợ rằng mọi cố gắng của gia đình từ trước đến nay sẽ trở thành vô nghĩa.
Một năm trước, Zhao Yong đã đăng kí hộ khẩu ở Thượng Hải cho con mình. "Mỗi lần chúng tôi muốn đi Mỹ, chúng tôi phải xin giấy phép đi Hồng Kông-Ma Cao để qua Hồng Kông rồi sau đó mới bay sang Mỹ bằng hộ chiếu Mỹ", Zhao Yong cho biết. "Chuyến đi sẽ dài hơn và vất vả hơn một chút, nhưng nếu chúng tôi bay thằng từ Thượng Hải sang Mỹ thì sự thật sẽ bị bại lộ".
Theo luật pháp Trung Quốc, một người chỉ được phép có một quốc tịch. Theo đại sứ quán Mỹ, nếu như một đứa trẻ sinh ở Mỹ mà lại có hộ khẩu Trung Quốc, thì đứa trẻ đó coi như đã từ bỏ quốc tịch Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ không phải nước duy nhất đã thắt chặt luật nhập cư. Trẻ em được sinh ra tại Hồng Kông sẽ phải quay lại đây hàng năm cho đến khi 18 tuổi thì mới giữ được hộ chiếu của đặc khu.
Phúc lợi cho các 'công dân'
Theo điều số 14 của Hiến pháp Mỹ , bất kể ai được sinh ra trên đất Mỹ sẽ trở thành công dân Mỹ, được hỗ trợ để đi học ở các trường công lập, được nhận hỗ trợ học phí đại học, được bầu cử. Mặc dù vậy, nếu như công dân nói trên không bắt đầu nộp thuế hay làm việc tại Mỹ từ sau năm 15 tuổi thì cũng sẽ chỉ nhận được một số ưu đãi hạn chế. "Hệ thống phúc lợi không hoàn toàn bỏ rơi những người không nộp thuế, nhưng những người này cũng sẽ không nhận được toàn bộ các ưu đãi của hệ thống. Mỗi một bang có các quy chế khác nhau trong cách giải quyết vấn đề này", theo lời ông Yang, một người vốn sinh ra ở Trung Quốc hiện đang có thẻ xanh và làm việc ở bang New Jersey.
"Đẻ con ở đất Mỹ là một giấc mơ tuyệt vời, nhưng cũng rất tốn tiền", cô Song kết luận. "Những người chọn con đường này cần biết rằng họ sẽ không chỉ trả phí điều dưỡng trước và sau khi đẻ mà còn phải trả nhiều thứ khác trong suốt cuộc đời con mình".
Như Hoàng (theo Economic Obsever)