Khislat Ochilov dầm mình dưới nước, sàng lọc đống cát ở thảo nguyên Uzbekistan, chăm chú tìm kiếm và phát hiện mẩu vàng có kích thước bằng hạt gạo trên rây.
"Không tệ. Mẩu vàng lớn nhất tôi tìm được nặng 7 g", chàng trai 25 tuổi nói khi tìm vàng ở gần ngôi làng Soykechar, phía tây thảo nguyên Uzbek.
Anh là một trong hàng trăm người đang lao vào cơn sốt vàng ở quốc gia Trung Á giàu kim loại quý này. Gần đó, Sardor Mardiyev, 28 tuổi, chăm chỉ đào xới lòng đất ở khu vực Navoi rộng lớn.
Mardiyev lái máy xúc 12 tiếng mỗi ngày, 6 ngày một tuần, khi chính phủ Uzbekistan thay đổi chính sách, cho phép người dân tự do đào đãi vàng, với hy vọng sẽ thúc đẩy sản lượng khai thác kim loại quý này của đất nước.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, năm ngoái, Uzbekistan sản xuất được 110,8 tấn vàng, xếp thứ 10 thế giới. Ngân hàng Trung ương Uzbekistan là nơi bán ròng vàng nhiều thứ hai thế giới, khoảng 25 tấn, chỉ sau Kazakhstan.
Đối với Tổng thống Shavkat Mirziyoyev, người tự nhận là nhà cải cách mở cửa, tự do hóa nền kinh tế sau nhiều năm cô lập và tập trung hóa, lượng vàng xuất khẩu như vậy là chưa đủ. Ông yêu cầu tăng sản lượng vàng lên 50% vào năm 2030.
Yêu cầu này khả thi, bởi tới nay mới có 20% tầng đất cái của Uzbekistan được khai thác. Ông Mirziyoyev, người nhậm chức từ năm 2016, cũng kêu gọi bán những thỏi vàng nặng tới một kg để thu hút nhiều khách du lịch hơn tới đất nước.
Zahit Khudaberdiyev, ngoài 30 tuổi, nằm trong số hàng trăm doanh nhân quyết định thử vận may từ khi chính phủ thay đổi chính sách khai thác vàng, xóa bỏ thế độc quyền của doanh nghiệp nhà nước. Anh đã giành quyền khai thác một lô đất trong ba năm sau cuộc đấu giá.
"Trước năm 2019, chúng tôi không có quyền khai thác vàng. Một số người đã liều lĩnh khai thác trộm, rất nguy hiểm", Khudaberdiyev nói.
Người Kazakhstan và Trung Quốc cũng tham gia đấu giá với Khudaberdiyev và thầu được các lô đất bên cạnh. Nếu lô của Khudaberdiyev có sản lượng không cao, anh sẽ tìm chỗ xa hơn.
Phía sau Khudaberdiyev, xe tải và máy xúc đang hoạt động không ngừng. Máy móc đào bới hàng tấn đất cát và đãi được trung bình 2-15 g vàng mỗi ngày. Anh vừa nói vừa dán mắt vào điện thoại theo dõi giá vàng thế giới. Giá vàng trong tháng 3 đã vượt đỉnh, lên mức 2.200 USD mỗi 31,1 g.
"Chính phủ quyết định cho phép người dân khai thác vàng, tạo công ăn việc làm", anh giải thích.
Cơn sốt vàng thúc đẩy thị trường việc làm ở Uzbekistan, quốc gia nơi 20% người lao động buộc phải tìm việc ở nước ngoài, chủ yếu là Nga. Khudaberdiyev cho biết Ochilov và Mardiyev, hai nhân viên trẻ tuổi người địa phương, trước đây từng thất nghiệp hoặc chỉ biết làm nông.
"Bây giờ họ mỗi tháng trung bình họ kiếm được 3-4 triệu som (260-390 USD)", anh nói, cho hay thu nhập này tương đối khá trong khu vực.
Nhưng ở Soykechar, nơi nông nghiệp vẫn là nghề quan trọng, không phải ai cũng hào hứng với cơn sốt vàng.
"Những người khai thác vàng đào bới nơi chúng tôi chăn thả gia súc", Erkin Karshiev, nông dân chăn nuôi lớn trong khu vực, nói.
"Hãy nhìn xem họ đã bỏ lại thứ gì", nông dân 66 tuổi nói, tỏ vẻ bực bội và chỉ tay xuống những cái hố sâu hơn 10 m. Ông lo lắng gia súc sẽ rơi xuống hố và nhiều lần kêu gọi chính quyền giải quyết vấn đề nhưng đều bị phớt lờ.
"Chúng tôi chỉ muốn một điều: những người đào vàng hãy san lấp hố lúc họ rời đi", ông bày tỏ.
Hồng Hạnh (Theo AFP)