Đứng bên hồ tại "Trung tâm trải nghiệm câu cá" ở Thượng Hải, cô thoăn thoắt lắp ráp chiếc cần câu hiệu Shimano, luồn dây câu và cẩn thận chọn mồi giả.
"Giống như thể dục, tôi coi câu cá là cách để giải tỏa căng thẳng. Đây cũng là một lối sống", cô nói.
Câu cá ngày càng phổ biến trong giới trẻ thành thị Trung Quốc do sự ưa chuộng các hoạt động ngoài trời, thiết bị giá phải chăng và phù hợp với lối sống chậm rãi và thiền định.
Ngày càng nhiều nữ giới Trung Quốc tham gia bộ môn này. Trên mạng xã hội Xiaohongshu, các bài đăng và video gắn thẻ "nữ cần thủ quăng mồi" hay "nữ cần thủ" có tới hơn 73 triệu lượt xem.
Xu Chuanyu, người quản lý "Trung tâm trải nghiệm câu cá" cho biết nữ giới chiếm khoảng 1/4 tại các địa điểm câu ở Thượng Hải. Trung tâm của Xu có một hồ rộng hơn 2 hecta và một gian hàng để người chơi thư giãn.
Sau nửa giờ kiên trì, Chen kéo được một con cá rô. Cô nhẹ nhàng thả con cá trở lại mặt nước vì tuân thủ nguyên tắc "bắt và thả" khi câu cá bằng mồi giả. "Ở vùng nước trong, tôi thích màu sắc mồi giả tự nhiên để tránh làm cá giật mình", cô nói.
Theo Chen, cách câu thân thiện môi trường là yếu tố chính thúc đẩy sự phổ biến của môn thể thao này với phụ nữ.
Một trong những người tiên phong trong "cơn sốt nữ giới câu cá" ở Trung Quốc là ca sĩ, diễn viên nổi tiếng Yu Shuxin (Ngu Thư Hân). Yu nói đam mê đi câu từ nhỏ và thường chia sẻ ảnh những chuyến buông cần trên biển. Trong một chương trình truyền hình, cô khoe có lần đi nước ngoài để câu cá từ 5h sáng đến 21h.
Nhiều phụ nữ chia sẻ họ "nghiện" câu cá bởi thích cảm giác phấn khích của cuộc rượt đuổi, cũng như cảm giác thành tựu khi thành thạo môn thể thao thử thách này. Họ cũng thấy thú vị khi phải đi ngược lại một số kỳ vọng truyền thống về giới tính.
"Tạm biệt sự thanh lịch, cắt tóc ngắn cho tiện và không được để móng tay dài vì sẽ cản trở việc ném và buộc dây", một bài đăng trên Xiaohongshu của một cần thủ viết. "Đứng trên bờ buông cần câu mang lại niềm vui và cảm giác được giải phóng", một người khác viết.
Qiao Yu, người điều hành một trung tâm câu cá ven biển Sơn Đông, cho biết đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng phụ nữ câu cá trên biển. Nhiều người trở thành cần thủ chuyên nghiệp, dành 8 tiếng hoặc hơn để câu cá mỗi chuyến.
Dù vậy, phụ nữ Trung Quốc vẫn chưa thoát được sự phán xét của xã hội khi theo đuổi thú chơi này. Chen cho biết đã thấy nhiều bình luận ác ý dưới các bài đăng về phụ nữ câu cá, chỉ trích trang phục hoặc kỹ thuật. "Tất cả đều là định kiến", cô nói.
Wang Yi, 30 tuổi ở Bắc Kinh, bắt đầu câu cá vào năm 2022. "Tôi từng coi câu cá là một hoạt động nhàm chán vì phải chờ đợi. Nhưng với câu cá bằng mồi giả, việc theo đuổi cá một cách chủ động thực sự hấp dẫn", cô chia sẻ.
Wang cũng nhìn thấy sự kỳ thị về giới tính. Nhiều người đặt câu hỏi về trình độ của cô và tính xác thực, bởi hoài nghi câu cá để "sống ảo".
"Mặc dù phụ nữ đôi khi phải đối mặt với những thách thức về sức mạnh thể chất và sức bền so với nam giới, không có sự khác biệt đáng kể nào về kỹ năng và đam mê", cô nói.
Hiệp hội câu cá Trung Quốc (CAA) vừa tung ra giải thưởng lên tới 10.000 tệ (35 triệu đồng) dành cho Nữ cần thủ xuất sắc nhất trong năm nay.
Li Yilin, 26 tuổi, bắt đầu câu cá ở Thượng Hải cách đây vài tháng, khao khát đạt được danh hiệu này. Để trở thành "cao thủ", cô cho biết phải tự học hỏi rất nhiều.
"Lúc đầu khá khó khăn vì câu cá liên quan đến nhiều kiến thức, từ hiểu về loài cá, đặc điểm, điều kiện thời tiết, môi trường và lựa chọn thiết bị, tất cả đều cần phải học từng bước một", cô chia sẻ.
Li phản bác lại quan niệm sai lầm rằng câu cá là trò tiêu khiển nhàn nhã. "Việc liên tục ném mồi và di chuyển khiến câu cá mệt hơn so với các hoạt động ngoài trời khác mà tôi từng tham gia", cô nói.
Bảo Nhiên (Theo Sixthtone)