Gia đình, sư cô Thích Nữ Minh Viên tổ chức lễ cầu nguyện cho Phi Nhung trong ngày 2-3/9 tại chùa Pháp Lạc - nơi ca sĩ cùng các nhà hảo tâm xây dựng để nuôi dạy trẻ mồ côi.
Ca sĩ Quỳnh Trang, Tuyết Nhung, Thiêng Ngân cùng các em quây quần thắp nến, hát nhớ mẹ nuôi. Bé Phi Như (tám tuổi) chơi guitar và thể hiện nhạc phẩm Ca khúc bánh mì (Võ Tân Tiến). Sinh thời, Phi Nhung từng mong bé Phi Như có thể hát ca khúc này cho cô nghe. Hai năm qua, cô bé luyện hát, chơi nhạc cụ để thực hiện lời hứa với mẹ nuôi. Đức Hiếu (19 tuổi) bật khóc nói nhớ mẹ sau khi trình diễn tiết mục Mẹ của tôi (Thích Bữu Đắc).
Trong số các con nuôi của Phi Nhung, Quỳnh Trang, Tuyết Nhung, Thiêng Ngân ca hát chuyên nghiệp. Họ thể hiện những bài gắn liền với tên tuổi của cô như Giấc mơ cánh cò (Vũ Quốc Việt), tân cổ Điệu buồn phương Nam (Vũ Đức Sao Biển). Quỳnh Trang cho biết nhớ mãi hình ảnh mẹ nuôi mặc áo dài hồng, tóc thắt bím hai bên như cô gái 18 tuổi hát nhạc phẩm Con đê chân tình (Dino Phạm Hoàng Dzũng).
Trước đó, Đức Nhân - đại diện các con nuôi ca sĩ - khiến mọi người xúc động khi bày tỏ tình cảm. Anh nhớ hình ảnh mẹ vào bếp nấu cơm, thổi chén canh nóng cho các con ăn, tắm cho từng người, chưa kịp buổi cơm chiều lại vội vã lên xe chạy show.
Nghệ sĩ Kim Tử Long là đồng nghiệp duy nhất góp mặt trong lễ tưởng nhớ ca sĩ. Anh song ca cùng tiếng hát Phi Nhung - phát ra từ đoạn video Lấy chồng xứ lạ (Nguyễn Quốc Việt). Nhạc phẩm từng được cả hai kết hợp biểu diễn sân khấu trong và ngoài nước. Kim Tử Long cho biết từng dạy Phi Nhung hát vọng cổ, luôn yêu quý cô ở sự hiền lành, mộc mạc.
Phi Nhung sinh năm 1970, quê ở Gia Lai. Năm 1989, cô sang Mỹ, đi hát từ thiện tại chùa và thành công ở làng ca nhạc hải ngoại với nhiều bản hit, như Lý con sáo Bạc Liêu (Phan Ni Tấn), Phải lòng con gái Bến Tre (nhạc: Phan Ni Tấn, thơ: Luân Hoán). Năm 2005, Phi Nhung về nước, tiếp tục theo đuổi dòng nhạc quê hương. Ngoài ca hát, ca sĩ còn nhận nuôi nhiều trẻ mồ côi. Tháng 9/2021, giọng ca Bông điên điển qua đời sau hai tháng mắc Covid-19.
Hoàng Dung