Còn nhiều trường hợp thi thuê chưa được phát hiện
Kết thúc kỳ thi đợt 1, khu vực Hà Nội phát hiện 8 cặp thi kèm, trong đó có 3 cặp thuộc điểm thi của ĐH Thương Mại, 2 cặp thuộc Học viện Tài chính Kế toán, còn lại là tại hội đồng thi ĐH Nông nghiệp 1, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, Công an Hà Nội đã tạm giữ 6 đối tượng để tiếp tục điều tra và xác định được thông tin về 2 kẻ cầm đầu. Đây là 2 sinh viên mới tốt nghiệp trong vòng 2-5 năm của các ĐH lớn.
Lực lượng An ninh và Hội đồng thi các trường cũng xác định được 10 cặp thi kèm song không đủ yếu tố pháp lý hoặc xử lý không kịp thời, dứt điểm đã để các đối tượng thoát tội. Trường hợp cặp thí sinh dự thi tại ĐH Thương Mại: Quách Thị Thuỷ và Quách Thế Thuỷ (tên thật là Trung) bị giám thị bắt tại trận. Song do sơ xuất khi lập biên bản, cơ quan công an chỉ khai thác được lời khai của Trung đã nhận "gà" bài. Quách Thị Thuỷ không bị tạm giữ, khi được mời lên cơ quan Công An thẩm vấn, có thể đã được đầu nậu "mớm" lời nên chối bỏ không có mối liên hệ với Trung.
Theo trung tá Hoàng Văn Huấn, để kiểm soát được tình trạng trên, quan trọng hơn cả là cần có tinh thần trách nhiệm cao và sự kết hợp với Công an ngay từ lúc xét duyệt hồ sơ của các ĐH: "Chúng tôi không thể làm gì nếu không có sự phối hợp tích cực của các trường". Cho đến giờ có 4 trường phối hợp tốt với đơn vị là Tài chính Kế toán, Thương Mại, Giao thông Vận tải, Công Đoàn. Đây cũng là các trường phát hiện được nhiều trường hợp thi kèm thi hộ. Ông Phạm Vũ Luận, Hiệu trưởng ĐH Thương Mại, cho biết: "Chúng tôi có nhiều cách thức để phát hiện các thí sinh nghi vấn như: họ tên giống nhau, tuổi quá cao, cùng địa phương, hồ sơ nộp tự do..., sau đó thông báo cho PA25 và giám sát chặt trong phòng thi. Khi có biểu hiện sai phạm là lập biên bản và cùng Công an phối hợp giải quyết ".
Ông Huấn cũng cho biết, qua kiểm tra 100% hồ sơ của người thi thuê là giấy tờ giả, người thi thuê chỉ có nhiệm vụ cung cấp ảnh. Một người có thể làm tới 3-4 hồ sơ dự thi tại các trường khác nhau. Đầu nậu có thể dễ dàng chủ động thông tin với khách hàng cũng như chỉ đạo người thi thuê. Nhưng người thi thuê và khách hàng lại không thể liên lạc trực tiếp với đầu nậu. Đến sát ngày thi khách hàng mới có thông tin về bạn kèm, và người thi thuê mới biết số báo danh, trường thi của mình. Trong đường dây người nào biết việc đó, hoạt động độc lập, gần như không biết nhau. Nhiều sinh viên đã trót ký hợp đồng thi thuê đến sát lúc thi muốn huỷ hợp đồng, song do đã tiêu vào số tiền được ứng trước (1-2 triệu đồng) hoặc lo sợ bị trả thù đành làm liều.
Trước tệ nạn này, Bộ GD&ĐT cũng như của các trường ĐH đều cùng quan điểm phải kiên quyết và mạnh tay với hiện tượng thi hộ, thi kèm. Bộ cũng đã có văn bản yêu cầu các ĐH, CĐ đầu năm học tới phải tăng cường công tác kiểm tra đầu vào dành cho các thí sinh trúng tuyển mới nhập trường. Đây được coi là một trong những biện pháp nhằm phát hiện những trường hợp thi hộ, thi kèm qua các đợt tuyển sinh. Tính hợp pháp của các bài thi sẽ được thẩm định trên cơ sở đối chiếu điểm bài thi với điểm công bố, đối chiếu chữ viết, màu mực và các biểu hiện khác thường của từng bài thi, của cả ba môn thi với nhau và với chữ viết của thí sinh trúng tuyển. Nếu bị phát hiện đã gian lận trong thi cử, dù ở bất kỳ thời điểm nào, thí sinh sẽ bị xử lý thích đáng, kể cả biện pháp đuổi học, thu bằng với những thí sinh đã tốt nghiệp.
Ông Phạm Vụ Luận cho rằng: "Cuộc chiến với những gian lận trong thi cử cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong kỳ tuyển sinh. Do đó, cần có sự phối hợp giữa nhiều ngành, sử dụng nhiều kênh thông tin, đặc biệt là sự tuyên truyền của cơ quan thông tấn báo chí. Việc sinh viên tiếp tay và tham gia vào các đường dây thi thuê là hành động không thể biện minh. Đây không chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm nội quy nhà trường, đạo đức sinh viên mà có thể coi là hành động phạm pháp".
Hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải Lê Văn Học lại cho rằng, muốn chống lại bất cứ một hiện tượng tiêu cực nào đều phải làm từ gốc. Sở dĩ có những tổ chức, sinh viên tham gia dịch vụ "thi thuê" là xuất phát từ những nhu cầu của chính cha mẹ các em. Xã hội cần lên án gay gắt và tuyên truyền giáo dục các em từ khi còn là học sinh cấp 3.
Thế Dũng