Tóc tai bù xù, mắt hõm sâu, áo quần xộc xệch, găng tay lem luốc đất và máu anh Bình đã làm việc không nghỉ suốt từ khi vụ tai nạn xảy ra.
Đêm qua, cùng với anh, gần 100 nhân viên cứu hộ của nhiều đơn vị khác đã thức trắng tìm kiếm nạn nhân bị chôn vùi dưới khối sắt thép, trong những điều kiện khó khăn.
Cố gắng tháo gỡ những khối bê tông để tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: A.N. |
Đội cứu hộ Philipines, Nhật Bản với khoảng 30 người, trực tiếp tháo dỡ, di dời các khối bê tông. “Tôi nghe thấy những âm thanh như tiếng gõ vào các thanh sắt vang ra. Tôi khẳng định một số người vẫn còn sống trong đó. Họ đang cầu cứu chúng tôi. Chúng tôi không thể nào bỏ cuộc giữa chừng”, một nhân viên cho biết.
Đến 24h ngày 26/9, mọi người như tuyệt vọng khi vẫn chưa cứu thêm được một ai kể từ đầu giờ chiều. Anh Bình cho biết dưới đống đổ nát có một hố sâu 3 m, vốn là để chôn trụ phụ chống dầm cầu. Khi cầu sập những người đang thi công phía trên bị kéo tuột xuống hố này. Nhưng vì khối bê tông bên trên khá lớn nên không thể chui xuống đưa người bị nạn lên.
Vận chuyển các thi thể tìm thấy trong đêm. Ảnh: A.N. |
Mọi người chờ đợi hai dàn cần cẩu rinh các khối sắt đó ra. “Chúng tôi cho máy cắt các khối bê tông, thanh thép và cho bơm nước ở dưới cái hố lên”, anh Hồ Đăng Khoa, cán bộ chỉ đạo hiện trường cho biết.
1h sáng 27/9, bỗng một nhân viên hô lên đã có lối xuống. Các khuôn mặt rũ rượi như bừng tỉnh, mọi người đổ xô tới. 3h20, xác nạn nhân thứ 38 được đưa lên. Tiếp nối sau đó, đến 4h, một thi thể nữa cũng được đưa ra khỏi hiện trường. Đến 6h sáng nay, lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm thêm ba xác nạn nhân nữa.
Mỗi lần có nạn nhân được tìm thấy, đội cứu hộ đều ghi lại một cách cẩn thận để có con số chính xác, với hy vọng không sót một ai.
"Hố đen ngòm, nước nhiều lắm. Họ nằm chồng lên nhau, có người gẫy xương sống, phần trên người gập cứng xuống chân, có người mất tay, thân thể xây xát... Đau lòng lắm", anh Bình xót xa nói với vẻ mặt như già hơn rất nhiều so với tuổi 33 của mình. Anh cũng cho biết đã cáng tất cả 119 nạn nhân kể từ sau khi cầu sập.
Hy vọng mất dần trên gương mặt của những người thân. Ảnh: A.N. |
“Tôi làm 5 năm trong ngành y tế, nhưng đây là lần đâu tiên tôi tham gia cứu hộ cũng như sơ cấp cứu số nạn nhân nhiều đến như vậy. So với những lần cấp cứu chấn thương do tai nạn giao thông thì đây có thể nói thật là kinh khủng và thảm họa”, cứu viên Trần Quốc Đời, Bệnh viện Đa khoa Bình Minh, nói.
Đứng ở vòng ngoài, cùng thức trắng đêm với lực lượng cứu hộ là gia đình các nạn nhân. Chị Nguyễn Thị Tâm đã ngất xỉu khi xác nạn nhân thứ nhất được đưa lên. Chị tỉnh lại khi mọi người nói đó không phải là anh Sáu chồng chị. Và thế là chị lại hy vọng mòn mỏi đến người thứ 2, 3 rồi thứ 4. Anh Sáu làm công trường này mới được 2 tháng. Cả hai vợ chồng chị có một cháu trai 4 tuổi. “Tôi nghe mấy người bạn của anh Sáu còn sống nói lại là anh ấy đang ở khu vực gần giữa nhịp bị gãy. Hy vọng...”, chị Tâm nghẹn giọng.
Ông Huỳnh Văn Hát (55 tuổi, xã Mỹ Hòa, Bình Minh) vừa cố nén lòng chia tay xác người con rể, lại lao đi hỏi thông tin về cậu con trai vẫn chưa tìm thấy. Dù được khuyên hãy nằm nghỉ lấy sức, nhưng khi lực lượng cứu hộ tìm chỗ nào, ông Hát vẫn đi theo đến đó. “Thằng Thanh nó làm nghề nhan cẩu (chỉ dẫn cẩu). Lúc ấy (lúc xảy ra tai nạn) nó đang ở trên dàn cầu, cao lắm, không biết có sống được không. Chỉ tội nó mới 27 tuổi thôi”, mắt ông Hát rơm rớm.
Rất nhiều người dân khác, đa phần ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long, cũng đang chờ đợi tin về người thân của mình. Nhưng trời càng sáng hy vọng của họ lại càng mờ đi.
Nhóm phóng viên (từ Vĩnh Long)