Theo dự luật, chính sách 2 giá được điều chỉnh một chút bằng cách cho người dân đăng ký giá đất với chính quyền địa phương theo khung do nhà nước ban hành. Và có phương án điều tiết với trường hợp đất thu hồi không hết, phần còn lại giá trị tăng thì phần tăng được tính vào phần bồi thường. Đại biểu Trần Thành Long cho rằng quy định này khó thực hiện, bởi có thể người dân sẽ không chấp nhận khung giá có sẵn, dẫn tới khiếu kiện. Còn giá trị tăng lên tính thế nào cũng không đơn giản, và không áp dụng được với các trường hợp không bị thu hồi nhưng vẫn tăng giá. Ngay cả biện pháp đánh thuế lũy tiến với thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, theo ông Long vẫn dễ bị đầu nậu đất lách. Bởi chủ đất luôn luôn biết giấu mặt trong các vụ kinh doanh địa ốc.
Đại biểu Lê Đình Trưởng cũng có quan điểm như vậy. Ông cho rằng dự luật quy định nhà nước được quyền định đoạt và điều tiết các nguồn lợi từ việc sử dụng đất, song điều tiết thế nào, định đoạt ra sao lại chưa được định rõ. Ông đề nghị bổ sung loại đất thứ tư - đất ở (luật hiện hành phân làm 6 loại: đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khu dân cư nông thôn, đô thị, chuyên dùng, chưa sử dụng; dự thảo phân làm 3 loại: đất nông nghiệp, phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng). “Đất ở là nơi ta sinh, chôn rau cắt rốn, rất thiêng liêng với mỗi con người” - ông Trưởng nói. Cũng vấn đề này, đại biểu Giàng Văn Quẩy cho rằng không thể gộp đất nông lâm nghiệp vào đất nông nghiệp, bởi như vậy “sẽ làm lu mờ đất rừng, tạo điều kiện cho việc phá rừng làm lương thực”.
“Dự thảo lần này mang tính chất sửa đổi tình thế, cơi nới luật cũ” - đại biểu Đỗ Ngọc Quang mở đầu phần ý kiến của mình như thế và cho rằng những hạn chế trong quản lý đất đai 10 năm qua khó mà khắc phục được: nhà công sẽ tiếp tục thành nhà riêng, đất công thành đất riêng và khiếu kiện sẽ khó giảm. Ông đề xuất thừa nhận sở hữu tư nhân với đất ở, bởi khu vực này liên quan đến thị trường địa ốc - một thị trường ngầm mà bao năm nay nhà nước không quản lý được. Ngược lại, nếu vì khó sửa đổi Hiến pháp - với quy định rõ là đất đai thuộc sở hữu nhà nước - thì phải sửa Luật Đất đai theo hướng thu hẹp quyền đồng thời tăng nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Trong hai ngày thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai sửa đổi, hơn 50 đại biểu đã tham gia ý kiến. Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được cho biết tất cả các ý kiến bằng lời và gửi bằng văn bản tới đoàn thư ký kỳ họp sẽ được tập hợp để ban soạn thảo chỉnh lý dự luật. Tới kỳ họp sau, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và thông qua luật mới theo quy trình làm luật tại 2 kỳ họp mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định.
Nghĩa Nhân